Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS) mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 và năm 2021 với kết quả kinh doanh rất tích cực.
Khấu trừ chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp của PV GAS tăng 34% lên 3.526 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong quý cũng được cải thiện từ 16,9% của quý trước lên 17,5%. Doanh thu tài chính tăng không đáng kể, trong khi đó chi phí của PV GAS đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 4,4 lần, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,1 lần và chi phí bán hàng tăng 17%.
Kết thúc quý IV, PV GAS báo lãi sau thuế đạt 2.029 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020, phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 1.964 tỷ đồng, tăng 17%.
Doanh nghiệp cho biết, sản lượng khí tiêu thụ giảm 31% và sản lượng LPG giảm 8% trong quý cuối năm. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân tăng 81%, tương ứng 35,6 USD/thùng, cộng với sản lượng condensate tiêu thụ tăng 28% nên lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2021, PV GAS ghi nhận doanh thu tăng 23%, hơn 78.992 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu bán và vận chuyển khí. Đây cũng là năm mà PV GAS có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay.
Khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp có 8.852 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp ngành khí này đã vượt 12,5% kế hoạch doanh thu và vượt 26% về lợi nhuận sau thuế.
Tại ngày 31/12/2021, PV GAS 78.768 tỷ đồng tổng tài sản, tăng hơn 15.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản, hầu hết các khoản đều tăng mạnh, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn tăng 66% lên 16.900 tỷ đồng.
Trong số đó, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) gần 3.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với đầu năm. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng tăng gấp đôi lên hơn 3.200 tỷ đồng.
Nợ phải trả của PV GAS cũng tăng gần gấp đôi lên 26.575 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm từ 1.017 tỷ đồng đầu năm xuống 484,7 tỷ đồng thời điểm cuối năm. Ngược lại, khoản nợ dài hạn tăng từ 1.964 tỷ đồng lên 7.510 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay các ngân hàng.
Trong đó, các khoản vay dài hạn lớn nhất đến từ Mizuho Bank (2.183 tỷ đồng), BIDV (1.655 tỷ đồng), Vietcombank (1.015 tỷ đồng), Taipei Bank (879 tỷ đồng), SeaBank (780 tỷ đồng),…
Tại thời điểm cuối năm, nợ xấu của PV GAS cũng tăng 2,5 lần lên mức 1.364 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi là 673 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ xấu hơn 1.000 tỷ đồng đến từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) chỉ có giá trị thu hồi là 629 tỷ đồng.
Ngoài ra, PV GAS còn ghi nhận khoản nợ xấu đến từ Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) với tổng giá trị 121 tỷ đồng, giá có thể thu hồi là gần 41 tỷ đồng.
Năm 2021, PV GAS đã cung cấp 7.093,7 tỷ m3 khí khô, sản xuất và cung cấp trên 61.200 tấn condensate; 1.975,8 triệu tấn LPG (đạt 123% kế hoạch và về đích trước kế hoạch 2 tháng); tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022 của Chứng khoán VNDIRECT, PV GAS được dự báo là doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ vị thế là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt tại Việt Nam.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm 2021, VNDIRECT kỳ vọng sản lượng tiêu thụ khí khô sẽ tăng 18% lên 9,25 tỷ m3 vào năm 2022 khi nhu cầu tiêu thụ điện khí phục hồi.
Do đó, VNDIRECT tỏ ra lạc quan về triển vọng của PV GAS trong những năm tới, nhờ sản lượng tiêu thụ khí phục hồi và môi trường giá năng lượng dự kiến duy trì ở mức cao. Dự báo, lợi nhuận ròng của GAS sẽ tăng trưởng lần lượt là 25,1% và 10,9% so với cùng kỳ lần lượt trong năm 2022 và 2023