Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi tới Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV với nội dung như sau: Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm (cấp D): Cho phép Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khi thực hiện Điều 28, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 theo hướng được phân công, ủy quyền cho UBND các quận, huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án mua căn hộ và nhận chuyển nhượng nền đất phục vụ tái định cư. Đồng thời, hướng dẫn, sớm ban hành bộ thủ tục và quy trình để thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội có sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri TP. Hồ Chí Minh như sau:
Về chính sách bồi thường tái định cư khi cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, nguy hiểm
- Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ (cấp D) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
- Điều 28 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở áp dụng đối với trường hợp phải sử dụng nhà ở thương mại để làm nhà ở phục vụ tái định cư và sử dụng nhà ở xã hội để bố trí tái định cư. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri Tp. Hồ Chí Minh để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội
Đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở 2014, khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013, điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Nhà ở 2014 thì các dự án nhà ở xã hội có sử dụng vốn đầu tư công thì trình tự, thủ tục triển khai dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách:
Để đảm bảo hệ thống pháp luật được thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp, pháp luật về nhà ở chỉ quy định về nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo nguyên tắc chung của pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 và khoản 3 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định: trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư. Pháp luật về nhà ở không quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo Báo Đầu tư