Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 05/10/2024

Mipec của ai?

TDVN 07:48 14/02/2020

Cái tên Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội (Mipec) dễ khiến người ta hình dung về một doanh nghiệp quốc phòng. Nó đúng một phần.

Mipec được một số doanh nghiệp quốc phòng sáng lập nên. Cụ thể là Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Mà thực ra, trong hai cổ đông này chỉ có Vaxuco là doanh nghiệp 100% vốn của Bộ Quốc phòng, còn MBBank, như đã biết, là một doanh nghiệp đại chúng có sự góp vốn của một số doanh nghiệp quốc phòng.

Theo đăng ký kinh doanh cập nhật đến giữa năm 2017, hai lãnh đạo chủ chốt nhất của Mipec đều là những sỹ quan cao cấp: Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; Đại tá Dư Cao Sơn – Tổng Giám đốc. Cùng thời điểm, ông Thạch và ông Sơn cũng là những lãnh đạo chủ chốt của Vaxuco khi lần lượt nắm giữ các chức vụ Chủ tịch HĐTV và Chính ủy.

Một bản tin nội bộ của Mipec tường thuật về lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng II của công ty này hôm 26/04/2019 giới thiệu: “Về phía MIPEC, có sự tham gia của Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT; ông Dư Cao Sơn - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc cùng các thành viên HĐQT; Đảng ủy; Ban Tổng Giám đốc và toàn thể các cán bộ nhân viên MIPEC.”

Ông Thạch sinh năm 1957, ông Sơn sinh năm 1958, có nghĩa, thời điểm diễn ra sự kiện trên, hai vị sỹ quan cao cấp này đều đã trên 60 tuổi – lứa tuổi nghỉ hưu theo chế độ tại các đơn vị nhà nước (trừ các trường hợp đặc thù). Và thực tế theo tìm hiểu, đến nay, hai ông đều đã thôi nhiệm và nghỉ hưu ở Vaxuco. Tuy nhiên, câu chuyện ở Mipec lại khác, là một doanh nghiệp cổ phần, nhân sự công ty sẽ không bị ràng buộc bởi các giới hạn tuổi hưu.

Cập nhật đến thời điểm hiện tại, dữ liệu của cơ quan thuế vẫn đang ghi nhận người đại diện theo pháp luật của Mipec là ông Dư Cao Sơn – Tổng Giám đốc. Trong khi vị trí Chủ tịch HĐQT được đảm trách bởi ông Đào Ngọc Thạch.

Với đặc điểm là một doanh nghiệp đã được tư nhân hóa cơ bản, ông Thạch, ông Sơn hay bất kỳ lãnh đạo nào đều có thể cống hiến cho Mipec thêm nhiều năm nữa, chỉ cần có đủ năng lực và có sự tín nhiệm của các cổ đông. Việc đã nghỉ hưu có thể khiến hai cựu lãnh đạo Vaxuco không còn được Vaxuco ủy quyền đại diện vốn nhà nước tại Mipec nhưng kinh nghiệm, quan hệ, kỹ năng quản trị điều hành của ông Thạch, ông Sơn là một điểm rất giá trị với các cổ đông còn lại.

Mipec đặt trụ sở tại tòa nhà của Vaxuco nhưng tỷ lệ sở hữu của Vaxuco ở Mipec chỉ còn khá hạn chế, với 9,695% cổ phần.

Bí ẩn 76% sở hữu ở Mipec

"Năm 2018, tổng doanh thu của MIPEC đạt xấp xỉ 7.500 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 7.000 tỷ đồng với gần 600 lao động cùng hệ thống chi nhánh, đơn vị thành viên trên khắp cả nước."

Theo cơ cấu cổ đông được cập nhật gần nhất của Mipec, mức độ sở hữu của 3 cổ đông sáng lập - là Vaxuco, MBBank và Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - chỉ còn khá hạn chế, với lần lượt là 9,695% (Vaxuco góp 96,95 tỷ đồng), 9,09% (MBBank góp 90,9 tỷ đồng), 5% (Petrolimex góp 50 tỷ đồng).

Vì đăng ký kinh doanh không liệt kê nên chưa rõ, hơn 762 tỷ đồng còn lại trong mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng của Mipec được đóng góp bởi những cổ đông nào. Nhấn mạnh rằng, với tỷ lệ sở hữu hơn 76%, hiện đây mới là nhóm chi phối thực sự Mipec, chứ không phải là 3 cổ đông sáng lập như vẫn biết.

“Năm 2003, vốn điều lệ của MIPEC là 20 tỷ đồng, đến tháng 8 năm 2015, vốn điều lệ đã tăng 50 lần, lên 1.000 tỷ đồng”, Mipec tự giới thiệu trên website. Việc các cổ đông sáng lập bị pha loãng mạnh tỷ lệ sở hữu cho thấy có khả năng, Mipec đã thực hiện cả phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược trong các lần tăng vốn.

Dữ liệu của VietTimes thể hiện, qua các lần tăng vốn của Mipec từ năm 2010 đến nay, phần vốn của Vaxuco bị pha lãng nhiều nhất trong số 3 cổ đông sáng lập.

Theo đó, năm 2010, khi vốn điều lệ của Mipec ở mức 330 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vaxuco là 20,6% (góp 67,98 tỷ đồng), của Petrolimex là 10% (góp 33 tỷ đồng), của MBBank là 9,09% (góp 29,997 tỷ đồng). Đến cuối năm này, Mipec tăng vốn lên 500 tỷ đồng; Trong khi MBBank và Petrolimex góp thêm đủ vốn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, thì Vaxuco chỉ góp thêm 27,97 tỷ đồng (nâng quy mô vốn góp lên thành 96,95 tỷ đồng) khiến tỷ lệ sở hữu giảm nhẹ về còn 19,39%.

Đầu năm 2016, khi Mipec thực hiện nâng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ mức 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng), chỉ duy nhất MBBank góp thêm vốn để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu ở 9,09%. Vaxuco và Petrolimex không góp thêm một đồng nào, do đó, tỷ lệ sở hữu tại Mipec bị pha loãng một nửa, về chỉ còn lần lượt 9,695% và 5%.

Vốn điều lệ của Mipec, cũng như tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông sáng lập Mipec được giữ ổn định cho đến nay. Tuy nhiên như đã nói, tiếng nói của bộ ba doanh nghiệp nhà nước này chỉ còn rất hạn chế. Tỷ lệ hơn 76% của các cổ đông khác đủ để nhóm này quyết nghị hầu hết các chủ trương, quyết sách của Mipec.

Nhưng danh tính của nhóm chi phối thì này vẫn còn là bí ẩn với phần đông thị trường.

“Ông lớn” địa ốc

Thành lập năm 2003, Mipec khởi đầu với lĩnh vực sản xuất dầu mỡ nhờn chuyên dụng cho khí tài quân sự, rồi mở rộng sang cung ứng cho thị trường dân dụng và kinh doanh xăng dầu.

Lĩnh vực kinh doanh và cả tên gọi Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội đôi khi khiến một số người ngoài ngành nhầm lẫn Mipec với Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (MipeCorp).

Tuy nhiên cần phân biệt rõ, MipeCorp là một doanh nghiệp thuần vốn nhà nước, do Bộ Quốc phòng điều chuyển nguyên trạng về trực thuộc Vaxuco (cổ đông sáng lập Mipec) vào ngày 22/10/2012. Chủ tịch Mipec – Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch – nhiều năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MipeCorp. Sau khi ông Thạch nghỉ hưu vào tháng 8/2019 vừa rồi, vị trí Chủ tịch MipeCorp do Đại tá Nguyễn Như Chiến đảm nhận.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xăng dầu, Mipec đã đa dạng hóa hoạt động sang lĩnh vực kho bãi cầu cảng, thương mại dịch vụ, bán lẻ. Và đặc biệt, Mipec hiện đã là một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường bất động sản.

Bắt tay với một số đơn vị, doanh nghiệp gốc nhà nước có lợi thế về đất, Mipec đã phát triển hàng loạt dự án tầm cỡ như MIPEC Tower 229 Tây Sơn, 183 Nguyễn Lương Bằng, MIPEC Riverside Long Biên, MIPEC City View Hà Đông (Hà Nội); Citadines Bayfront (62 Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); MIPEC Tràng An (TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Mipec của ai? - ảnh 2

MIPEC Rubik 360 được Xuân Thủy phát triển trên bãi xe cũ của Transeco.

Gần đây, Mipec nhận được sự chú ý lớn với dự án MIPEC Rubik 360 Xuân Thủy. Dự án triển khai trên ô đất rộng 4ha tại số 122-124 đường Xuân Thủy, vốn là bãi đỗ xe buýt và trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).

Hợp tác kinh doanh tiếp tục là một công thức quen được áp dụng trong dự án này. Tuy nhiên, ngoài Transerco góp vốn bằng đất, Mipec còn có sự đồng hành của một đối tác ít tên tuổi khác, là Công ty TNHH Hoa Cương (Hoa Cương).

Dù ít biết, nhưng Hoa Cương là pháp nhân đã đồng hành cùng Mipec nhiều năm, đã góp vốn cùng Mipec và Công ty TNHH Thực phẩm Cao cấp thành lập nên CTCP Bất động sản Mipec.

Bên cạnh đó, trong một bài viết, VietTimes cũng đã đề cập đến việc Mipec là bên nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) tại Mic Invest. Thương vụ khiến nhiều người hình dung về sự xuất hiện của Mipec tại dự án D47, đắc địa ngay ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh và sát bên công viên hồ điều hòa Phùng Khoang.

Vietnamtimes

Link gốc : https://viettimes.vn/mipec-cua-ai-380486.html

Bạn đang đọc bài viết Mipec của ai? tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước