Cuối tháng 12/2019, liên quan đến việc ngôi biệt thự nằm ở số 10 ngõ 128C Đại La (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1912 – nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ ra thế giới vào ngày 7/9/1945, sẽ bị tháo dỡ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Thế Kỷ đã ký công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét bảo tồn ngôi biệt thứ số 128C Đại La.
Theo tư liệu từ bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, ngôi biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912 |
Theo công văn, với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như trạm phát sóng Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch: giữ lại tòa nhà ở vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về trạm phát sóng Bạch Mai.
Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội tìm ra phương án phù hợp vừa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đường trên cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vừa bảo tồn, lưu giữ được trạm phát sóng Bạch Mai, một công trình kiến trúc lịch sử đặc biệt cho thế hệ mai sau.
Ngày 10/2/2020, tại Hà Nội, chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các phó chủ tịch UBND TP đã có một buổi làm việc với đại diện Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) về kiến nghị bảo tồn các công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai mà các đơn vị này đã gửi đến UBND TP Hà Nội tháng 12-2019.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội chủ trì phối hợp với VOV làm hồ sơ di tích, trước mắt là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, đối với tòa nhà một tầng (trong cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai, trước đó là Trạm vô tuyến điện báo do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20), trình lên để UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Từ đó để có cơ sở pháp lý thu hồi tòa nhà này (hiện đang do một công ty cổ phần quản lý) để quy hoạch lại làm lại di tích lịch sử văn hóa.
Tuy nhiên, ngay chiều 9/2, đơn vị quản lý tòa nhà này đã đập một phần tòa nhà và chỉ được UBND quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm yêu cầu tạm dừng việc phá dỡ vào sáng 10/2.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy một gian nhà sẽ tiếp giáp với mặt đường mới đã bị đập bỏ hoàn toàn, các gian nhà khác cũng bị xâm hại một phần, mái ngói đã bị tháo dỡ 4 gian trong tổng số 5 gian của tòa nhà.
Theo một số người dân sống xung quanh ngôi nhà, ngày 9/2 đã có đơn vị vào phá dỡ công trình này với lí do giải phóng mặt bằng để mở rộng đường vành đai 2 (đoạn Ngã tư Đại La tới cầu Mai Động).
Được biết, đơn vị quản lý tòa nhà hiện là Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa. Đứng trước sự việc "đã rồi này", sáng ngày 10/2, UBND quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm đã phải có công văn hỏa tốc yêu cầu dừng tháo dỡ ngôi nhà.
Hiện trạng ngôi nhà này đã bị phá dỡ, gạch đá, các khung cửa nằm ngổn ngang trên nền đất. Phần mái ngói ngôi nhà đã bị dỡ bỏ gần hết, 1 trong 5 gian của ngôi nhà cũng đã bị đập bỏ.
Trả lời trên Infonet, ông Đinh Đức Hiếu - Phó Chủ tịch UBND Phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Văn hóa là đơn vị quản lý ngôi nhà này đã tự ý phá dỡ và làm vào ngày nghỉ cuối tuần, không hề thông báo cho chính quyền địa phương biết. 8h30’ sáng ngày 10/2, khi tổ công tác Quản lý trật tự xây dựng - đô thị phường Đồng Tâm kiểm tra địa bàn thì nhận thấy, dãy nhà một tầng đang bị tháo dỡ nên đã yêu cầu phía công ty tạm dừng.
Ngay sau đó, UBND phường Đồng Tâm cũng đã ra thông báo khẩn cấp gửi cho công ty yêu cầu dừng ngay việc tháo dỡ, giữ nguyên hiện trạng công trình (bao gồm cả nguyên vật liệu do đơn vị đã tự ý tháo dỡ) và có văn bản hỏa tốc gửi lên trên.
Chiều ngày 11/2, UBND phường Đồng Tâm đã cũng đã phải đặt tấm biển cảnh báo người dân không được đến gần công trình.