Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Nhìn lại thương vụ 'cá bé' An Quý Hưng nuốt 'cá lớn' Vinaconex

TDVN 08:28 29/06/2020

Với tiềm lực chưa thực sự rõ ràng, không bất ngờ khi nhóm An Quý Hưng đã và đang gặp áp lực lớn về dòng tiền, phần nào thể hiện qua thực trạng hoạt động của Vinaconex.

Thương vụ thâu tóm đình đám

Cuối năm 2018, đợt thoái vốn nhà nước ở Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có lẽ là thương vụ được giới đầu tư chú ý hơn cả. Đầu tiên là vì quy mô ngót nghét cả chục nghìn tỷ, thứ nữa là diễn biến đầy bất ngờ - Công ty TNHH An Quý Hưng, một doanh nghiệp không mấy tên tuổi đã chi tới 7.400 tỷ để mua trọn lô 57,71% cổ phần Vinaconex.

Khi đó, giới đầu tư lùng sục mọi thông tin về An Quý Hưng, để giải thích vì sao một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng lại có thể bỏ 7.400 tỷ thâu tóm Vinaconex. Một vài thông tin được đề cập là An Quý Hưng là một doanh nghiệp "gốc" Hà Tây, thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Xuân Đông, ít nhiều được biết tới trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Không lâu sau khi An Quý Hưng trúng đấu giá và trở thành công ty mẹ của Vinaconex, ông Nguyễn Xuân Đông chính thức trở thành Tổng giám đốc của Vinaconex. Và tới Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm 2019, ông Đào Ngọc Thanh - "người" của An Quý Hưng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Các vị trí còn lại trong HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành đều được bầu/ bổ nhiệm mới với đa số ghế thuộc về An Quý Hưng.

Trụ sở của Vinaconex

Thương vụ "cá bé" An Quý Hưng nuốt "cá lớn" Vinaconex tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 được chính Chủ tịch Đào Ngọc Thanh giải thích là đứng sau An Quý Hưng là một nhóm nhà đầu tư giàu tiềm lực.

Không rõ tiềm lực mà vị cựu CEO Ecopark nhấn mạnh thực tế ra sao, song có nhiều dấu hiệu cho thấy An Quý Hưng, hay chính xác hơn là nhóm nhà đầu tư đứng sau thương vụ thâu tóm Vinaconex đã và đang "căng tiền" khi đã bỏ ra 7.400 tỷ phục vụ M&A. Lưu ý rằng chi phí lãi vay tính tới thời điểm hiện tại đã lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Trước thời điểm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, An Quý Hưng và công ty con An Quý Hưng Land đã mang toàn bộ cổ phần Vinaconex thế chấp để phát hành 5.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất khá cao: 12%/ năm. Tuy nhiên đợt phát hành đã không thành công, cho thấy mức độ rủi ro trong thương vụ nhìn từ phía các nhà đầu tư trái phiếu, mà trong trường hợp này, khó là ai khác ngoài các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, mặc cho sự phản đối của các cổ đông lớn khác, Vinaconex với sự chi phối của nhóm An Quý Hưng đã thông qua Quy chế Tài chính mới, theo hướng trao quyền rất lớn cho Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc - những người của An Quý Hưng. Theo đó, Chủ tịch HĐQT có quyền quyết định giao dịch có giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng, Tổng Giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng, thay vì mức 15 tỷ đồng hay 5 tỷ đồng như quy chế cũ thời SCIC và Viettel.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, trước sự bức xúc của cổ đông, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh nói rằng: “Tôi là Chủ tịch tôi phải tạo ra sự khác biệt, phải đẳng cấp. HĐQT 7 người bỏ phiếu cứ quá bán là xong. Việc sửa đổi quy chế nếu sai, tôi sẵn sàng đi tù. Mà thực tế tới nay tôi đã ký được đồng nào đâu mà cứ bảo chúng tôi rút ruột, thụt két. Mà có thiệt hại, thì chúng tôi bỏ ra 7.400 tỷ mua cổ phần cơ mà, cứ lấy đó mà trừ”.

Lời giải thích của vị Chủ tịch Vinaconex gây xôn xao suốt thời gian dài sau đó, bởi người ta không thể tin rằng một doanh nhân kỳ cựu với hàng chục năm lăn lộn trên thương trường lại có những phát biểu thiếu logic và phi kinh tế học đến vậy.

Giới đầu tư đang quan tâm với lối tư duy của những lãnh đạo cao nhất như vậy, thương hiệu hàng đầu một thời của ngành xây dựng đã, đang và sẽ đi về đâu.

Những câu hỏi khó trước thềm Đại hội cổ đông

Năm 2019, năm đầu tiên hoạt động dưới thời An Quý Hưng, Vinaconex có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ xây lắp sang bất động sản. Tỷ lệ doanh thu xây lắp giảm mạnh từ 60% về 55%, còn với kinh doanh bất động sản tăng từ 18% lên 22%.

Kinh doanh bất động sản là ngành nghề tạo ra biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với xây dựng, tuy nhiên đi kèm với đó cũng là mức độ rủi ro không nhỏ. Việc Vinaconex định hướng trở thành ông lớn địa ốc không loại trừ bởi áp lực lớn bù đắp cho chi phí đầu tư của nhóm An Quý Hưng.

Trong khi hiệu quả của chiến lược này chưa thể hiện rõ, thì những vết rạn trong cấu trúc tài chính của Vinaconex đã nhanh chóng bộc lộ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, lợi nhuận Vinaconex trong năm ngoái là 787 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch năm, tuy nhiên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.493 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản phải thu tăng mạnh, lên tới 2.417 tỷ đồng.

Có nghĩa rằng Vinaconex ghi nhận lãi lớn, song trên thực tế không thu được tiền, thậm chí còn để dòng tiền nghìn tỷ chảy ra bên ngoài.

Tình trạng này còn kéo sang Quý 1/2020, khi các khoản phải thu tiếp tục gia tăng thêm hơn 843,53 tỷ đồng, khiến cho dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm tới 1.060 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ở một băn khoăn khác, trong 3 tháng đầu năm, thương vụ thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Vinaconex mang về cho Vinaconex khoản doanh thu tài chính 633 tỷ đồng, những tưởng sẽ đóng góp lợi nhuận khủng cho cổ đông, tuy nhiên điều bất gờ là tổng công ty này đã dành hơn nửa nghìn tỷ đồng để trích lập các khoản dự phòng, trong khi cùng kỳ còn hoàn nhập 3 tỷ đồng.

Đây là những nội dung cần được ban lãnh đạo Vinaconex giải trình rõ trước cổ đông vào ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày mai (29/6).

Theo ANTT

Link gốc : http://antt.nguoiduatin.vn/nhin-lai-thuong-vu-ca-be-an-quy-hung-nuot-ca-lon-vinaconex-295296.htm

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại thương vụ 'cá bé' An Quý Hưng nuốt 'cá lớn' Vinaconex tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp