Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Bê bối sai phạm trong đấu thầu hàng chục tỷ đồng ở Tổng công ty viễn thông Mobifone

CLVN 11:08 16/01/2020

Gói thầu 50 tỷ đồng tại Tổng Công ty Mobifone còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) thường xuyên tổ chức đấu thầu mua sắm các loại sim, thẻ với giá trị hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đang có nhiều vấn đề cần được làm rõ trong quá trình tổ chức đấu thầu đối với những gói thầu trên.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, một trong những điều kiện để lập Hồ sơ mời thầu (HSMT) là phải có Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) được phê duyệt. Việc tổ chức đấu thầu phải tuân thủ quy định nêu trên. Tuy nhiên, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã “vô hiệu hoá” PHÁP LUẬT về đấu thầu” trong quá trình tổ chức đấu thầu.

Bê bối sai phạm trong đấu thầu hàng chục tỷ đồng ở Tổng công ty viễn thông Mobifone

Đơn cử như Gói thầu: “Mua sắm Sim 4G phục vụ kinh doanh năm 2018”, giá gói thầu 54.120.000.000 VNĐ. Căn cứ theo KHLCNT được Mobifone phê duyệt, công khai trên Hệ thống mạng Đấu thầu Quốc gia, gói thầu trên đều tổ chức đấu thầu theo hình thức một gói thầu. Hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu rộng rãi, trong nước; phương thức đấu thầu: một giai đoạn hai túi hồ sơ; thời gian thực hiện hợp đồng: 180 ngày. Số tiền đảm bảo dự thầu: 1.200.000.000 VNĐ (Quyết định phê duyệt số 775/QĐ- MOBIFONE ngày 9/4/2018).

Tuy nhiên, khi lập HSMT để phát hành công khai, Mobifone lại không thực hiện theo KHLCNT được duyệt để tổ chức theo hình thức 1 gói thầu mà chia nhỏ thành 6 phần để tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng với nhà thầu.

Cụ thể, Phần 1: Sim 4G, Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh, giá trúng thầu 7.678.000.000 VNĐ, thời gian thực hiện 23 ngày; Phần 2: Sim 4G, Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh, giá trúng thầu 7.678.000.000 VNĐ, thời gian thực hiện 23 ngày; Phần 3: Sim 4G, Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh, giá trúng thầu 7.678.000.000 VNĐ, thời gian thực hiện 23 ngày; Phần 4: Sim 4G, Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh, giá trúng thầu 7.678.000.000 VNĐ, thời gian thực hiện 23 ngày; Phần 5: Sim 4G, Liên danh Công ty TNHH Thái Dương và Công ty cổ phần Bách Thái, giá trúng thầu 7.667.000.000 VNĐ, thời gian thực hiện 23 ngày; Phần 6: Sim 4G, Liên danh Công ty TNHH Thái Dương và Công ty cổ phần Bách Thái, giá trúng thầu 7.667.000.000 VNĐ, thời gian thực hiện 23 ngày (Văn bản phê duyệt 1506/QĐ MOBIFONE do Phó Tổng Giám đốc Bùi Sơn Nam ký ngày 10/8/2018).

Theo quy định tại Điều 7 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, HSMT chỉ được phép phát hành sau khi KHLCNT đã được phê duyệt đồng thời chủ đầu tư phải căn cứ vào KHLCNT đã được người có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Theo ý kiến của một chuyên gia về đấu thầu, không thể xây dựng HSMT mà không dựa vào các định hướng có tính pháp lý trong KHLCNT được phê duyệt. Một trong những nội dung quan trọng khi thẩm định HSMT (để có thêm căn cứ cho chủ đầu tư xem xét, phê duyệt HSMT) là phải nói rõ HSMT đã phù hợp với quyết định đầu tư cùng các tài liệu liên quan hay chưa và đã phù hợp với KHLCNT hay chưa.

Phải chăng, việc lập và phát hành HSMT đối với Gói thầu: “Mua sắm Sim 4G phục vụ kinh doanh năm 2018” của Mobifone chưa tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và KHLCNT nhưng vẫn tiến hành tổ chức đấu thầu?

Trong Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Điều 5 điểm 1,2,8 quy định rất rõ: Tên gói thầu, giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng: Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần riêng biệt thì tên của từng phần cần thể hiện nội dung cơ bản của từng phần; Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần; Thời gian thực hiện hợp đồng cần phù hợp với tiến độ thực hiện dự án; Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì quy định cụ thể thời gian thực hiện hợp đồng cho từng phần.

Đáng chú ý đây là gói thầu mua sắm thuộc hoạt động chi thường xuyên và trong 6 phần của gói thầu, nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh trúng đến 04 phần.

Liên tục mua USIM 4G nhưng không tổ chức đấu thầu rộng rãi

Năm 2017, Mobifone tổ chức lựa chọn nhà thầu 02 Gói thầu “Mua sắm USIM 4G bổ sung để phục vụ kinh doanh năm 2017”. Nhà thầu trúng thầu tiếp tục là liên danh Nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh và Công ty TNHH Thái Dương. Cả 02 gói thầu trên đều do Phó Tổng giám đốc Bùi Sơn Nam phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu tương tự như tại Gói thầu: “Mua sắm Sim 4G phục vụ kinh doanh năm 2018”.

Cụ thể, tại Gói thầu số 1 “Mua sắm USIM 4G bổ sung để phục vụ kinh doanh năm 2017” thuộc Dự toán Mua sắm USIM 4G bổ sung để phục vụ kinh doanh năm 2017, liên danh Nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh và Công ty TNHH Thái Dương đã trúng thầu với giá trị 43.894.400.000 VND (tại văn bản văn bản phê duyệt KQLCNT số 903/QĐ-Mobifone ngày 19/05/2017).

Tương tự, Gói thầu số 2 “Mua sắm USIM 4G bổ sung để phục vụ kinh doanh năm 2017” thuộc Dự toán Mua sắm USIM 4G bổ sung để phục vụ kinh doanh năm 2017, liên danh Nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh và Công ty TNHH Thái Dương đã trúng thầu với giá trị 7.084.000.000 VND (văn bản phê duyệt KQLCNT số 2062/QĐ-Mobifone ngày 23/10/2017).

Tỷ lệ tiết kiệm của 2 gói thầu trên cũng rất thấp, chưa đến 1% so với dự toán được duyệt. Tuy vậy, điều mà dư luận quan tâm vì sao 2 gói thầu thuộc cùng một chủng loại hàng hoá, tương đồng về mặt yêu cầu kỹ thuật nhưng Tổng công ty viễn thông Mobifone không tiến hành đấu thầu rộng rãi để thu hút sự tham gia của nhiều nhà thầu mà áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu ít cạnh tranh hơn (mua sắm trực tiếp) để tổ chức mua sắm liên tiếp 2 gói thầu trên?

Văn bản hướng dẫn về hoạt động của Bộ KH&ĐT, pháp luật đấu thầu không quy định giới hạn số lần áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp. Tuy nhiên, việc áp dụng mua sắm trực tiếp phải bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật đấu thầu nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước cũng nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước.

Căn cứ theo Điều 89 – Luật đấu thầu số 43/2013/QH13: Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu:

Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này; Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu…

Bạn đang đọc bài viết Bê bối sai phạm trong đấu thầu hàng chục tỷ đồng ở Tổng công ty viễn thông Mobifone tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật