Biển Quy Nhơn 'không rào chắn', thu hút rất đông người dân, du khách. (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Trả lại không gian biển cho dân
Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho hay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai các công việc liên quan đến việc dời 3 khách sạn nằm sát biển trên đường An Dương Vương (TP.Quy Nhơn).
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với khách sạn Hoàng Yến để thống nhất phương án di dời bồi thường. Tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/3.
Sở TN&MT tỉnh Bình Định cũng phải báo cáo kết quả làm việc với chủ khách sạn Bình Dương, ngay trong tháng 2 này để lãnh đạo UBND tỉnh có hướng xử lý tiếp theo.
3 khách sạn nằm sát biển Quy Nhơn sẽ được di dời, để xây công viên không gian cộng đồng. (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Trong năm 2019, lãnh đạo tỉnh Bình Định thông báo về việc sẽ dời 3 khách sạn ven biển gồm: Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến. Động thái này được rất nhiều người dân ủng hộ, đây là quyết định “tiên phong” đầy táo bạo nhưng cũng khá nhiều cam go, trong việc lấy lại không gian ven biển cho người dân.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tuyên bố, việc di dời khách sạn là để lấy đất xây dựng công viên phục vụ cộng đồng, khách sạn sẽ được di dời căn cứ vào thời hạn cho thuê đất và theo lộ trình phù hợp.
Dự kiến di dời đầu tiên là khách sạn Bình Dương, tiếp đó là khách sạn Hoàng Yến và Hải Âu. Hiện, tỉnh Bình Định đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ để di dời khách sạn Bình Dương. Tỉnh này bố trí khu đất mới rộng 3.000m2 tại số 20 Nguyễn Văn Trỗi (TP.Quy Nhơn) để xây dựng khách sạn mới.
Khách sạn nằm sát biển, "che khuất" tầm nhìn ra biển Quy Nhơn. (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, việc giải tỏa khách sạn Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) trả lại không gian công cộng cho người dân và ông đã hứa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, dời khách sạn chỉ làm công viên, còn nếu làm cái gì khác ông nhận kỷ luật.
“Không riêng gì khách sạn Bình Dương, sắp tới khi đến một lúc nào đó thì khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu cũng sẽ giải tỏa theo lộ trình. Đây là những tồn tại trước kia mà lúc này chúng tôi sẽ sửa dần, trả lại không gian công cộng ven biển cho người dân. Dọc tuyến đường ven biển, chỉ quy hoạch nhà cao tầng tạo điểm nhấn thành phố, chứ không chạy theo kiểu xây dựng tràn lan phát triển nóng, phá vỡ cảnh quan đô thị”, Chủ tịch tỉnh Bình Định lưu ý.
Khách sạn Hải Âu (màu xanh) cũng sẽ được di dời theo lộ trình. (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Nhà đầu tư, không hề vi phạm!
Theo ông Hồ Quốc Dũng, trong giai đoạn khó khăn thì cả 3 khách sạn trên đều có đóng góp rất lớn cho du lịch của Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Thế nhưng, về lâu dài không gian biển phải trả lại cho người dân, đây là quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh từ thế hệ trước và đến lúc này, theo lộ trình sẽ tiến hành thực hiện di dời, chứ nhà đầu tư không hề có vi phạm.
Ông Dũng nói rằng, rất biết ơn những nhà đầu tư vì có thời gian họ phải chịu thua lỗ. Trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm trong giai đoạn phát triển du lịch tỉnh Bình Định và gắn bó cho đến lúc này.
“Đây đều là những doanh nghiệp tiên phong, có đóng góp cho phát triển du lịch, họ không vi phạm hay chiếm đất gì cả. Việc di dời sẽ được tính toán kỹ lưỡng tạo điều kiện cho nhà đầu tư và thực hiện theo lộ trình quy định”, ông Dũng khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (đeo kính) nói rằng, ông hứa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng việc dời khách sạn Bình Dương chỉ làm công viên, còn nếu làm cái gì khác ông nhận kỷ luật. (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị Quy Nhơn mới đây, khi nói đến cách làm quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Lê Đăng Tuấn ví von rằng, nếu như ở nơi khác đất vàng sẽ được dùng để xây dựng công trình thì điều khác lạ ở Quy Nhơn là đổi đất vàng chỉ để trồng cây xanh, công viên.
Ông Tuấn kể rằng, trước đây toàn bộ phía biển Quy Nhơn tồn tại hàng loạt công trình nhếch nhác, mức độ nhà cửa dày đặc khiến che khuất tầm nhìn ra biển.
Ở đường ven biển Xuân Diệu, tỉnh Bình Định đã chấp nhận tiêu tốn tiền bạc, thử thách thời gian để giải tỏa, di dời khoảng 2.500 hộ dân. Một việc làm rất khó khăn ở thời điểm đó, nhưng được người dân ủng hộ và mục đích duy nhất là để tạo ra không gian cộng đồng đặc trưng ở biển Quy Nhơn bây giờ.
Biển Quy Nhơn "không rào chắn" nhìn từ trên cao, tới đây sẽ "bứng" 3 khách sạn nằm sát biển. (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ, việc quy hoạch ở Quy Nhơn được định hướng theo kiểu, thành phố hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có.
Quy Nhơn được ‘ưu ái’ ban tặng đường bờ biển dài nên không gian biển luôn được ưu tiên, gắn liền với 2 trục đường chính là An Dương Vương và Xuân Diệu. Ở đây, chỉ quy hoạch một số công trình cao tầng tạo điểm nhấn, không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển. Bằng mọi cách, giữ được không gian biển cộng đồng, để người dân và du khách đều có thể dễ dàng, tự do tận hưởng vẻ đẹp Quy Nhơn.
Chính quyền Bình Định dành quỹ đất ven biển rất rộng để xây dựng không gian xanh, phục vụ cộng đồng (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết, không gian biển là của cộng đồng, biển Quy Nhơn sẽ không có rào chắn, không cấp cho ai khác sau đó. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là niềm tự hào của người dân và họ được tự do xuống biển, chính quyền không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào cả. Thậm chí, tỉnh này còn chủ động bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng làm công viên, phố đi bộ phục vụ cộng đồng.
“Cái khác biệt của Quy Nhơn là mọi người đều được xuống biển, không có rào chắn lối xuống biển. Đây là sự cố gắng rất lớn, mà Quy Nhơn đã giữ được cho đến lúc này”, ông Dũng nói.
Theo Dân Việt