Theo tìm hiểu, bộ sản phẩm LAVENDA ngoài dấu hiệu quảng cáo sai trên các website, sàn thương mại điện tử... còn được nhiều đại lý, cá nhân phân phối rao bán, tung hô công dụng để lừa dối người tiêu dùng.
Tại Facebook “Hương Lê” rao bán bộ sản phẩm LAVENDA với khẳng định sản phẩm này điều trị các bệnh phụ khoa. Bài quảng cáo đăng tải thông tin đã có hơn 50 nghìn người “sạch” bệnh phụ khoa nhờ sử dụng LAVENDA sau 2 tuần sử dụng, bệnh nặng mãn tính đều được xóa tan, không tái lại, không gây khó chịu. Thậm chí còn khẳng định công dụng này đã được Bộ Y tế kiểm định, nhiều nghệ sỹ tin dùng và các chuyên gia công nhận sản phẩm.
Thậm chí, nick name này còn đăng tải bài viết với nội dung sau thời gian mong mỏi làm mẹ, người dùng đã đạt được ý nguyện nhờ kiên trì sử dụng LAVENDA, kèm theo đó là hình ảnh chứng minh khách hàng đã mang thai.
Nick name khác “Nguyễn Quang Linh” quảng cáo “viêm lộ tuyến, nấm ngứa, khí hư... chỉ 2 tuần là xử lý “xong” nhờ sử dụng bộ sản phẩm LAVENDA. Để nâng cao uy tín sản phẩm, người này còn dựng hình ảnh dược sỹ, bác sỹ gắn với bộ sản phẩm LAVENDA là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tiếp theo là nhóm kín “LAVENDA chính hãng” với hơn 8 nghìn thành viên cũng đăng bán, giới thiệu bộ sản phẩm này là thuốc. Theo lời người bán, bộ 3 LAVENDA là khắc tinh trị các bệnh phụ khoa... dù nặng đến mấy chỉ sau 2 tuần sử dụng sẽ khỏi. Cũng tại hội nhóm này, tổ chức bán hàng còn loan tin ung thư cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng... không cần lo lắng vì đã có LAVENDA, đồng thời cam kết tính hiệu quả của sản phẩm.
Ngoài việc rao bán sản phẩm sai công dụng, những người này cũng đăng tải rất nhiều tin nhắn của khách hàng để làm màu, “dụ” người tiêu dùng mua sản phẩm dù biết LAVENDA không phải là thuốc và không có công dụng như quảng cáo. Do đó, hành vi của các cá nhân, tổ chức này đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trao đổi với báo chí, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, những lời quảng cáo và tư vấn sai sự thật của các cá nhân, tổ chức đã thỏa mãn hành vi quảng cáo gian dối, hoặc nghiêm trọng hơn là lừa dối khách hàng.
Cụ thể, theo Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 54/2017/NĐ-CP, với hàng loạt dấu hiệu vi phạm như: Sử dụng hình ảnh, các từ, cụm từ dễ gây hiểu lầm; sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo; sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế... các doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính ở mức “kịch khung” là 70 triệu đồng.
Trong trường hợp việc phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, vẫn có dấu hiệu tái phạm, việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra là điều cần thiết. Theo đó, nếu bị kết án với tội quảng cáo gian dối (Điều 197, BLHS 2015), người vi phạm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù treo đến 3 năm. Còn với tội lừa dối khách hàng (Điều 198, BLHS 2015), có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc ngồi tù đến 5 năm bởi trên thực tế, dấu hiệu vi phạm các đối tượng đã thỏa mãn liên tiếp dấu hiệu tăng nặng như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp.
Trao đổi với báo chí về những tồn tại của thị trường TPCN, 1 lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tất cả quảng cáo thực phẩm chức năng đều phải được thẩm định nội dung. Quảng cáo thực phẩm chức năng bắt buộc có thêm chi tiết “sản phẩm không thay thế được thuốc chữa bệnh” và không được chỉ định để điều trị bệnh cụ thể. Nếu phát hiện quảng cáo vi phạm, hãy báo tin cho Cục xem xét xử lý.
Thông qua nội dung nêu trên có thể thấy các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh bộ sản phẩm LAVENDA có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, VietQ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý các đối tượng nếu phát hiện sai phạm.