Đưa cả chất thải nguy hại vào đấu giá tài sản
Ngày 11/11/2021 trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt (viết tắt: Công ty Lạc Việt) phát đi thông báo mời tham gia đấu giá đối với tài sản là “Vật tư thiết bị thu hồi, kém mất phẩm chất, phế thải nguy hại không cần dùng” của Công ty Truyền tải điện 1, giá trị hơn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thông báo này đưa ra nhiều yêu cầu, điều kiện năng lực tham gia đấu giá tài sản không phù hợp quy định, khiến nhiều khách hàng tham gia đấu giá tài sản không thể tiếp cận mua hồ sơ đấu giá.
Cụ thể, thông báo đấu giá của Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt đưa ra yêu cầu các đơn vị tham gia phải có Giấy phép đăng ký kinh doanh (ĐKKD) ngành nghề phù hợp; Có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại - (CTNH) còn hiệu lực ít nhất 06 tháng, bao gồm các mã CTNH: 15 01 01; 15 01 09; 16 01 06; 16 01 13; 16 01 12; 17 03 04; 17 03 05; 19 02 01; 18 01 01; 18 02 01; 19 02 03.
Trong đó, mã CTNH: 15 01 01 là các thiết bị bộ phận, vật liệu là CTNH từ quá trình phá dỡ phương tiện giao thông vận tải; 16 01 06 là bóng đèn huỳnh quang thải; 16 01 13, 15 01 09 là các loại thiết bị, linh kiện điện tử thải; 17 03 04, 17 03 05 là các loại dầu thải khác; 18 01 01 là bao bì mềm thải; 18 02 01 là bao bì mềm, rẻ lau thải; 16 01 12 là ắc quy thải; 19 02 03 là thiết bị điện thải có CFC, HCFC, HFC...
Đáng lưu ý, trong thông báo đấu giá lô tài sản này có mã: 19 02 01 là máy biến thế và tụ điện thải có chứa chất PCB. Đây là một trong 21 nhóm chất của chất hữu cơ khó phân hủy (POP), có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Điều đáng nói, hiện nay hiếm có doanh nghiệp nào trong nước có khả năng xử lý được loại chất thải này?
Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá tài sản phân tích: Không phải tài sản nào cũng có thể đem ra bán đấu giá. Việc đấu giá tài sản phải tuân thủ quy định của pháp luật khác liên quan.
Về mặt nguyên tắc, phế thải được mang ra bán đấu giá khi và chỉ khi chất thải đó có thể thu hồi tái sử dụng, các loại phế thải như giẻ lau, bao bì dính sơn, dầu thải... có chứa chất nguy hại thì không thể đem ra bán đấu giá. Bởi, theo quy định, các chất thải nguy hại phải được thu gom và đưa đến cơ sở có đủ điều kiện, khả năng xử lý chứ không phải mang ra bán đấu giá. Việc đính kèm chất thải nguy hại vào lô phế liệu để đem ra bán đấu giá là không phù hợp quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
Có dấu hiệu hạn chế tham gia đấu giá?
Để làm rõ việc ra điều kiện gây khó cho khách hàng tham gia đấu giá tài sản, ngày 17/11/2021, nhóm phóng viên đã nhập vai hòa cùng các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia mua hồ sơ đấu giá tài sản tại trụ sở Công ty hợp danh Đấu giá Lạc Việt tại số 49 Văn Cao, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tại đây, phóng viên ghi nhận quá trình gian nan mà khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá tài sản với lô tài sản là “Vật tư thiết bị thu hồi, kém mất phẩm chất, phế thải nguy hại không cần dùng”.
Theo đó, mặc dù khách hàng xuất trình giấy ĐKKD ngành nghề phù hợp; giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại... thể hiện đầy đủ năng lực tham gia đấu giá tài sản, thế nhưng nhân viên Công ty đấu giá Lạc Việt vẫn từ chối thẳng thừng việc bán hồ sơ đấu giá. Lý do được đưa ra khá thuần thục, đó là doanh nghiệp không đủ một số loại giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã nêu trong thông báo bán đấu giá.
Khi bị đề nghị lý giải tại sao lại đưa cả loại chất thải nguy hại PCB vào bán đấu giá, nhân viên này đưa ra văn bản thông báo mới có nội dung: đính chính thông tin đấu giá tài sản đối với lô “Vật tư thiết bị thu hồi, kém mất phẩm chất, phế thải nguy hại không cần dùng” của Công ty truyền tải điện lực 1. Thông báo này đã loại bỏ mã: 19 02 01 (máy biến thế và tụ điện thải có chứa PCB) nhưng vẫn giữ nguyên các mã khác?
Tiếp tục câu hỏi: Tại sao lại đưa các mã chất thải nguy hại vào việc đấu giá lô tài sản này thì nhân viên của Công ty Lạc Việc trả lời ngắn gọn rằng: Đây là yêu cầu của chủ tài sản, thắc mắc thì cứ làm công văn kiến nghị chủ tài sản (!?)
Xử lý chất thải nguy hại phải được thực hiện đúng quy định pháp luật
Theo các chuyên gia pháp lý, khoản 3 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định, ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá; Tại khoản 2 Điều 24 quy định 2 tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản; ban hành Quy chế cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 34 của Luật Đấu giá tài sản và tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá;
Tại điểm c khoản 2 Điều 9 quy định, nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về xử lý chất thải nguy hại thì chất thải nguy hại không được đem bán đấu giá, việc xử lý chất thải nguy hại phải được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Đấu giá tài sản, pháp luật có liên quan, đặt thêm điều kiện tham gia đấu giá để hạn chế khách hàng tham gia đấu giá.
Đánh giá về việc này, một doanh nghiệp thường xuyên tham gia đấu giá tài sản cho biết: Việc đưa ra yêu cầu đối với khách hàng mua tài sản đấu giá phải có các mã ngành về xử lý chất thải nguy hại và những mã chất thải nguy hại độc hại hiếm có đơn vị nào đủ điều kiện được cấp phép xử lý là nhằm hạn chế khách hàng tham gia đấu giá. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ, để việc mua bán đấu giá các tải sản công được công khai, minh bạch, tránh tình trạng nhóm lợi ích, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Năm 2009, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã tiến hành điều tra với 23 đơn vị thuộc một tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam và phát hiện việc bán gần 565 nghìn lít dầu biến thế (dầu cách điện) đã qua sử dụng và hàng trăm tấn chất thải nguy hại ra ngoài để tái sử dụng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, có chất Polychlorinated Bi phenyls (PCBs) có trong dầu cách điện có độc tính cao, gây ô nhiễm vào nguồn nước, đất và không khí; đồng thời cũng có khả năng gây nhiễm độc nguy hại cho con người. Đây là chuyên án đầu tiên trong phòng chống hoạt động buôn bán chất thải nguy hại.