Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Dự án sóng việt sai phạm hàng loạt bỗng dưng mở bán

TTVN/SKCĐ 17:01 02/03/2020

Sau sai phạm ‘đình đám’ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Sóng Việt bất ngờ mở bán

Tháng 6/2019, Thanh tra Chính phủ xác định, dự án Khu phức hợp Sóng Việt được UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Chỉ định đầu tư, không qua đấu giá

Vấn đề trên được Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề cập trong Thông báo số 1041/TB-TTCP vào tháng 6/2019 về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Cụ thể, đó là sai phạm của TP.HCM trong việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Ông Trịnh Văn Tuấn ngày mới về OCB và vẫn đang giữ cương vị Tổng Giám đốc. (Ảnh: OCB). Nên biết, một người nhà của Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn hiện đang đảm nhiệm vai trò đứng đầu Hướng Việt.

Theo đó TTCP xác định, dự án Khu phức hợp Sóng Việt được UBND Thành phố (TP) chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; UBND TP đã tính và đã thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, trong đó, có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Tháng 4/2015, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương được chỉ định Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát là nhà đầu tư dự án này. Đến tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, dự án Sóng Việt có tổng chi phí thực hiện ước tính khoảng 7.273 tỷ đồng trên diện tích khoảng 75.965 m2.

Thành phố cho biết Quốc Lộc Phát cam kết sẽ ký quỹ 100 tỷ đồng, đồng thời nộp tiền sử dụng đất ước tính 2.000 tỷ đồng/4 lô đất nếu được chọn làm chủ đầu tư.

Đến tháng 7/2016, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có quyết định số 3652/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư với cái tên không ai khác - Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát.

"Phản pháo" lại Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 04/7/2019 ông Phạm Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Lộc Phát đã ký Văn bản số 38/2019/CV-QLP gửi cho các cơ quan báo chí, cho rằng một số thông tin chưa chính xác về Dự án và cung cấp thêm thông tin về Dự án trên.

"Trong các lô đất của Dự án, không lô nào được giao với giá 26 triệu đồng/m2, mà thấp nhất đã có giá là 32 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm giá trị đầu tư xây dựng đường và hạ tầng để chuyển giao không bồi hoàn cho Thành phố", văn bản do ông Phạm Quang Hưng ký nêu rõ.

Bất ngờ được phép mở bán

Ngày 28/2/2020, Sở Xây dựng TP. HCM có Văn bản số 2039/SXD-PTN&TTBĐS về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 456 căn nhà hộ công trình chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại lô đất 1-16 thuộc Dự án Khu phức hợp Sóng Việt, Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường An Khánh (Q.2, TP.HCM).

Theo Sở Xây dựng, dự án Sóng Việt của chủ đầu tư là Công ty CP Quốc Lộc Phát được chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 4664/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 và Quyết định điều chỉnh số 1884/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND TP.HCM.

Ngày 11/11/2019, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) có Văn bản số 689/HĐXD-QLKT thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình. Đến ngày 28/11/2019, Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cấp Giấy phép xây dựng số 1152/GPXD cho chủ đầu tư.

Theo Sở Xây dựng, đến nay chủ đầu tư là Công ty CP Quốc Lộc Phát đã nghiệm thu hoàn thành giai đoạn/hạng mục phần móng công trình chung cư tại lô đất 1-16 . Công trình có mặt tiền được dẫn lên cầu Thủ Thiêm 2 (R12) đã thi công rải nhựa và kết nối với đại lộ Vòng cung thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dự án Sóng Việt được Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh TP. HCM bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng khi chủ đầu tư giao nhà không đúng tiến độ.

Do đáp ứng các yêu cầu tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản và Điều 19, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ nên Sở Xây dựng đồng ý cho Công ty CP Quốc Lộc Phát mở bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai đối với 456 căn hộ tại chung cư Sóng Việt.

Sở Xây dựng TP.HCM cho phép Quốc Lộc Phát được mở bán nhưng không hề đề cập đến kết quả xử lý “hậu” thanh tra “xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước” như yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Mối quan hệ giữa Quốc Lộc Phát- Sơn Kim Land và OCB

Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2014, có vốn điều lệ hiện tại là 1.500 tỷ với đồng ba cổ đông sáng lập là Nguyễn Văn Thắng (40%), Nguyễn Viết Tuấn (30%) và Lê Văn Tú (30%).

Sau khi ông Nguyễn Văn Thắng không còn nắm giữ cổ phần thì công ty do ông làm Chủ tịch HĐQT là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hải Đăng thay thế với tỷ lệ vốn góp giữ nguyên là 40% vốn điều lệ. Hải Đăng là tiền thân của công ty HD Mon Holdings - đơn vị thực hiện dự án HD MonCity tại Hà Nội.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, Hải Đăng cũng không còn tên trong danh sách cổ đông của Quốc Lộc Phát. Thay vào đó là ông Phạm Quang Hưng - người đại diện pháp luật của công ty - nắm 45% vốn, xuất hiện thêm cá nhân Nguyễn Minh Bảo Châu sở hữu 10% và hai cổ đông nước ngoài là Orbista sở hữu 25% và Keppel Land Thủ Thiêm nắm 20%.

Được biết, ông Phạm Quang Hưng, sinh năm 1968 từng được biết đến là Tổng giám đốc Công ty cổ phần may – diêm Sài Gòn. Ngoài ra, ông Hưng cũng là giám đốc Công ty cổ phần Thuận An – một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài hai công ty trên, ông Phạm Quang Hưng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư PDG – Công ty này được thành lập từ tháng 8/2012. Tính đến tháng 1/2016, PDG có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Dù là công ty nhỏ, song PDG được biết đến là cổ đông của Công ty cổ phần MAV. Đây là công ty có vốn điều lệ 675 tỷ đồng, do ông Phạm Quang Hưng nắm cổ phần chi phối với 88%.

Hai cổ đông nước ngoài này của Quốc Lộc Phát đều là những công ty con của tập đoàn Keppel Corporation - một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Singagore với 20 dự án được cấp phép tại Việt Nam. Các công ty con là Orbista và Keppel Land đã chi tổng cộng 742 tỷ đồng để mua 45% cổ phần tại Quốc Lộc Phát.

Tính đến trung tuần tháng 9/2016, bên cạnh 90% sở hữu chia đều cho ông Phạm Quang Hưng và nhóm Keppel Corporation, 10% cổ phần còn lại của Quốc Lộc Phát thuộc về bà Nguyễn Bảo Minh Châu (chị gái ông Nguyễn Đức Quang – Chủ tịch CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu).

Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 16/9/2016, nhấn mạnh rằng, là ĐKKD cuối cùng nêu đủ danh tính cổ đông các cổ đông của Quốc Lộc Phát.

Từ năm 2017 trở đi, vì đã ngoài giới hạn 3 năm kể từ ngày thành lập, các cổ đông mới của Quốc Lộc Phát, theo Luật Doanh nghiệp, không còn được liệt vào dạng “cổ đông sáng lập” và không phải có nghĩa vụ cập nhật thông tin sở hữu vào đăng ký kinh doanh nên nhóm này dần trở thành bí ẩn với thị trường.

Các lần thay đổi ĐKKD về sau cho thấy: Tháng 7/2017, bà Nguyễn Minh Bảo Châu chuyển nhượng toàn bộ 15 triệu cổ phần (10% VĐL); Tháng 10/2017, ông Phạm Quang Hưng chuyển nhượng 37,74 triệu cổ phần/tổng số 67,5 triệu cổ phần nắm giữ, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 45% về còn 18,64%; Tháng 05/2018, ông Hưng tiếp tục chuyển nhượng thêm 6,825 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu về còn 14,09%.

Như đã phân tích, rất khó để xác định danh tính của bên đã mua 40,91% cổ phần Quốc Lộc Phát này từ bà Châu và ông Hưng, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp về sau.

Tuy vậy, theo thông tin trên tờ VietTimes, cổ đông ít biết của Quốc Lộc Phát là Công ty Hướng Việt.

Giấy chứng nhận cổ phần Quốc Lộc Phát của Hướng Việt đề ngày 28/06/2018 (số hiệu 41/2018/CĐ-QLP). Trước đó một ngày, 27/06/2018, phòng ĐKKD TP. HCM xác nhận 30% cổ phần Quốc Lộc Phát của Keppel Corporation được chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước.

Hướng Việt nắm giữ tới cả chục triệu cổ phần Quốc Lộc Phát và là một cổ đông lớn nhưng mối liên hệ của nó với chủ đầu tư Sóng Việt chưa từng được đề cập.

Có lịch sử cả chục năm thành lập nhưng Hướng Việt không phải là một doanh nghiệp quá nổi bật, thậm chí là một cái tên vô danh trong lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, Hướng Việt có mối quan hệ và sự hậu thuẫn khá tích cực từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Ông Phan Vũ Tuấn - Thành viên HĐQT độc lập của OCB - không chỉ sáng lập mà còn là cổ đông lớn nhất của Hướng Việt suốt nhiều năm kể từ khi thành lập.

Ngoài OCB và Hướng Việt, ông Phan Vũ Tuấn còn được biết là một nhân sự chủ chốt trong hệ sinh thái Hoàn Lộc Việt của doanh nhân Phan Minh Hoàn.

Sợi dây liên hệ giữa Hướng Việt với OCB không chỉ đến từ ông Phan Vũ Tuấn. Nên biết, một người nhà của Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn hiện đang đảm nhiệm vai trò đứng đầu Hướng Việt.

Cụ thể, có thể xem Hướng Việt như một công ty của gia đình vợ Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn - do em trai bà Cao Thị Quế Anh (phu nhân ông Trịnh Văn Tuấn), là ông Cao Quế Lâm, làm Chủ tịch HĐQT và một số họ hàng khác nắm giữ một lượng đáng kể cổ phần.

Không lạ khi OCB chính là nhà băng ruột, thu xếp hầu hết các nhu cầu vốn cho Hướng Việt, bao gồm cả việc đầu tư vào cổ phần Quốc Lộc Phát.

Cuối năm 2019, OCB cũng là nhà đầu tư duy nhất đã mua trọn 400 tỷ đồng trái phiếu mà Sơn Kim Land đã phát hành. Nhắc lại, Sơn Kim Land là cái tên đồng hành cùng Quốc Lộc Phát ở dự án Sóng Việt trong vai trò nhà phát triển dự án.

Link gốc : https://tintucvietnam.vn/sau-sai-pham-dinh-dam-trong-ket-luan-cua-thanh-tra-chinh-phu-du-an-song-viet-bat-ngo-mo-ban-d232603.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án sóng việt sai phạm hàng loạt bỗng dưng mở bán tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật