Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, thời gian qua có tình trạng một số website, trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Cục ATTP nhấn mạnh, việc sử dụng hình ảnh, trang phục các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp quy định pháp luật.
Cục ATTP nêu rõ, khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp quy định pháp luật.
Tổ chức kinh doanh vên sủi Kowachi dùng hình ảnh bác sĩ quảng sản phẩm trên hầu khắp các kênh truyền thông.
Sản phẩm viên sủi Kowachi được Cục ATTP cấp Giấy công bố sản phẩm cho Công ty Golden times Việt Nam (địa chỉ tại phòng 302, Số 627 đường Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Tuy nhiên, với sự “góp mặt” của TS – bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư kí hội Y học Việt Nam – Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam trên các trang tin quảng cáo sản phẩm này có thể sẽ khiến người bệnh hiểu nhầm sản phẩm này như là thuốc trị bệnh.
Bên cạnh đó, sản phẩm này còn sử dụng hàng loạt hình ảnh khách hàng, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm bằng hình thức đăng tải bài: “Nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.
Chưa kể, cũng giống như hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trá hình là thuốc, viên sủi Kowachi được phân phối qua kênh bán hàng online. Khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có người tự xưng bác sỹ, dược sỹ (chuyên gia) gọi điện tư vấn, giới thiệu với rất nhiều địa chỉ khác nhau. Tuy nhiên, khi để lại thông tin, người gọi lại tư vấn chỉ là chuyên viên bán hàng chứ không phải chuyên gia.
Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã có bài viết cảnh báo người tiêu dùng thận trọng khi mua, sử dụng sản phẩm này. Bởi đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Trong khi đó, trên các nền tảng xã hội để đánh lừa người tiêu dùng, sản phẩm này được tổ chức kinh doanh quảng cáo với công dụng giảm triệu chứng tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu. Không chỉ vậy, tổ chức kinh doanh còn “nổ” thêm công dụng ức chế vi khuẩn, viêm nhiễm, cải thiện, ngăn chặn khởi phát viêm đại tràng hội chứng ruột kích thích.
Thực tế, công dụng của sản phẩm này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tăng cường tiêu hóa, giúp giảm biểu hiện đau bụng do viêm đại tràng.