Lời tòa soạn:
Thời gian qua, dư luận đổ dồn sự chú ý vào việc quy hoạch, phát triển đô thị tại khu vực thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, báo chí liên tục phản ánh hiện trạng hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm tại địa phương.
Cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan quản lý lĩnh vực xây dựng không chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo kế hoạch, mà còn chỉ đạo nhiều địa phương kiểm tra làm rõ, xử lý và báo cáo nhiều nội dung phản ánh của báo chí phục vụ cho công tác quản lý của ngành.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến các chuyên gia quy hoạch cho rằng, có nhiều bài học khi quy hoạch phố cổ Hà Nội, Hội An mà tỉnh Vĩnh Phúc cần nghiên cứu tham khảo, rút kinh nghiệm. Tại Tam Đảo, khi những công trình mà người Pháp xây dựng cách đây cả thế kỷ được quan tâm hơn, thì giá trị của khu du lịch này cũng được phát triển hơn.
Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu và trao đổi nghiệp vụ khoa học, Reatimes khởi đăng tuyến bài Vĩnh Phúc: Bài học quản lý xây dựng nhìn từ loạt dự án của Công ty Lạc Hồng.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) có địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ nên Tam Đảo đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc và cả nước. Du lịch phát triển nhưng diện tích đất thổ cư, đất kinh doanh dịch vụ, thương mại ít. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, thị trấn Tam Đảo dường như đang bị "bức tử" bởi những công trình hiện hữu và các dự án đầu tư xây dựng mới.
Có thể kể đến một số dự án bề thế được đầu tư ở thị trấn Tam Đảo như: Khách sạn Century, Khách sạn Thiên Phúc, Khách sạn Thanh Hải, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hương Sơn; cùng một loạt dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng đầu tư như: Khách sạn Lâu đài Tam Đảo với giá trị đầu tư 400 tỷ đồng, Khách sạn Venus Tam Đảo với giá trị đầu tư 400 tỷ đồng, Khu ẩm thực với giá trị đầu tư 80 tỷ đồng, Khu nhà dịch vụ với giá trị đầu tư 33 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) thành lập ngày 15/9/2003, địa chỉ số nhà 85 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Người đại diện pháp luật công ty là ông Lê Xuân Trường.
Trong số những dự án “khủng” trên của Công ty Lạc Hồng, nổi bật là công trình Khách sạn Lâu đài Tam Đảo. Khách sạn Lâu đài Tam Đảo được giới thiệu là có kiến trúc pha trộn giữa phong cách Neo- Gothic và Phục Hưng, lấy cảm hứng từ lâu đài Peles (Rumania) và Schloss Neuschwanstein ở Bavaria (Đức), với những bức tường viền gỗ sẫm màu và mái nhọn lợp đá Ardoise. Nhìn từ Khách sạn Lâu đài Tam Đảo, du khách có thể bao quát toàn cảnh cung đường phía dưới đi lên thị trấn Tam Đảo.
Theo tìm hiểu, trước đây, khu đất này là dinh nghỉ hè của toàn quyền Đông Dương. Từ năm 1931, tòa dinh thự này đã mọc lên. Đến năm 1947 thì dinh bị phá. Năm 1992, một doanh nghiệp có tên Thành An mua lại khu này. Đến năm 2010, Công ty Lạc Hồng được cho là đã mua lại tòa lâu đài với mức giá khoảng 400 tỷ đồng. Tổng diện tích lâu đài khoảng 3.000m2, gồm 9 phòng vip, nội thất mang phong cách Ý.
Ông chủ Công ty Lạc Hồng cho biết đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào công trình Khách sạn Lâu đài Tam Đảo.
Về công trình "khủng" này, báo chí cũng từng đăng tải thông tin việc ông chủ Công ty Lạc Hồng cho biết đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào công trình này. “Toàn bộ khu đất khách sạn đã có sổ đó vĩnh viễn, chúng tôi đã đầu tư 400 tỷ đồng vào dự án này”, ông chủ tòa lâu đài Tam Đảo nói.
Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc lại khẳng định: Không có chuyện cấp sổ đỏ vĩnh viễn, nếu là đất ở, đất công trình công cộng thì chỉ được cấp sổ đỏ lâu dài. Tuy nhiên, việc xây dựng khách sạn “khủng” trên Tam Đảo phải có đánh giá tác động môi trường. Trước khi xây dựng, chủ đầu tư phải đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, việc xây dựng công trình lớn như vậy phải xin cấp phép xây dựng.
Ngoài công trình nguy nga, bề thế trên, một số dự án khác của Công ty Lạc Hồng tại thị trấn Tam Đảo cũng vướng phải lùm xùm khi thi công kiểu “tiền trảm, hậu tấu”. Dư luận từng xôn xao việc chủ đầu tư thi công Dự án khu nhà Tổ hợp dịch vụ cao cấp và Dự án khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, nhưng “quên” giấy phép xây dựng? Sau đó, Công ty Lạc Hồng mới làm hồ sơ xin giấy phép xây dựng đối với 3 hạng mục chính là Khu nhà dịch vụ, khu tổ hợp cao cấp và khu ẩm thực. Đến ngày 8/12/2016, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc mới ban hành Giấy phép xây dựng số 77/GPXD cấp cho Công ty Lạc Hồng được phép xây dựng Công trình Nhà dịch vụ Khu công viên trung tâm thị trấn Tam Đảo.
Nhiều công trình nguy nga, bề thế của Công ty Lạc Hồng tại thị trấn Tam Đảo vướng phải lùm xùm trong quá trình thi công xây dựng. (Ảnh: venushotel.vn)
Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh trong quá trình thi công dự án Khách sạn Venus Tam Đảo tại thị trấn Tam Đảo, Công ty Lạc Hồng có dấu hiệu xây dựng quá mật độ xây dựng cho phép. Về việc này, chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm.
Cũng liên quan đến loạt dự án "khủng" của Công ty Lạc Hồng, trước đó năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở của Công ty Lạc Hồng trong đó có các dự án: Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc;....
Quá trình khảo sát thực tế tại một số dự án khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc của Công ty Lạc Hồng, cũng xảy ra tình trạng xây dựng có dấu hiệu sai quy hoạch, xây dựng, triển khai thi công dự án trước khi được chính quyền bàn giao đất như: Khu đô thị chùa Hà Tiên, Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo,...
Về tình hình tài chính của Công ty Lạc Hồng cho thấy, doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp này khá đều trong 3 năm vừa qua. Các dự án kinh doanh dịch vụ khu du lịch hấp thụ tốt do nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng tăng lên tạo nguồn ổn định cho Công ty Lạc Hồng. Có thể, đó cũng là lý do mà đơn vị này sốt sắng cho một số dự án chưa được cấp phép vội vàng xây dựng?
Cụ thể, trong năm 2015 - 2016, doanh thu của Công ty Lạc Hồng khoảng 700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 11 tỷ đồng. Tổng tài sản và nợ phải trả tương đương 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2019, doanh thu của đơn vị này đạt 845 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 287 tỷ đồng. Tổng tài sản 3.700 tỷ đồng, nợ phải trả 2.900 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu Công ty Lạc Hồng đạt 1.023 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn bán hàng và các chi phí khác, đơn vị này lãi 231 tỷ đồng. Tổng tài sản 3.000 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.500 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 200 tỷ đồng. Tổng tài sản 2.700 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.400 tỷ đồng.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10015/VPCP-CN gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trước đó báo chí có phản ánh việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý. Thậm chí "quy hoạch chạy theo nhà đầu tư" có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. “Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo”, văn bản nêu rõ.
Liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương này, trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm (nếu có). Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị báo cáo về Bộ Xây dựng (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 31/12 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Trước đó, báo chí phản ánh về tình trạng "ngột ngạt" ở Tam Đảo trong đó nêu thông tin theo UBND huyện Tam Đảo, đến thời điểm hiện nay, đã xác định được 15 công trình xây dựng vi phạm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo. Cụ thể, khách sạn Camellia xây dựng ngay sát công viên trung tâm và là một trong những khách sạn lớn nhất Tam Đảo, hiện nay xây vượt 1 tầng và 1 tum so với giấy phép với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.
Khách sạn Century quy mô lớn xây dựng vượt 1 tầng so với giấy phép; khách sạn Thiên Phúc xây dựng không giấy phép; khách sạn Thanh Hải cải tạo nhưng không có giấy phép, cơi nới thêm phần diện tích đất phía sau cao 7 tầng; khách sạn Thắng Lợi không có giấy phép điều chỉnh và đã tự xây dựng thêm 200m2; khách sạn Hương Sơn xây dựng thêm đơn nguyên mới 5 tầng không phép. Ngoài ra, còn hàng loạt công trình khách sạn khác quy mô lớn xây dựng sai phép, không có giấy phép xây dựng, cải tạo…
Tại khu vực thôn 1 và 2, nhức nhối không kém là tình trạng đua nhau xây hàng trăm căn phòng homestay không phép, xây dựng trên đất canh tác, đất vườn, đất lâm nghiệp.
Về công tác quản lý quy hoạch tại địa phương, theo các chuyên gia quy hoạch, có rất nhiều bài học khi quy hoạch phố cổ như Hà Nội, Hội An mà tỉnh Vĩnh Phúc cần nghiên cứu tham khảo, rút kinh nghiệm. Ngay như phố cổ Hà Nội, số lượng công trình phải bảo tồn ngày càng tăng lên. Tại Tam Đảo cũng vậy, khi những công trình mà người Pháp xây dựng cách đây cả thế kỷ được quan tâm hơn thì giá trị của khu du lịch Tam Đảo cũng được phát triển hơn.
Bài học của Sa Pa, Đà Lạt - những thị trấn mờ sương giữa vùng cao với các ngôi nhà mang đặc trưng bản địa ẩn nấp giữa núi rừng trùng điệp đang dần trở thành những “khu đô thị mới” dày đặc bê tông và khói bụi, sau quá trình xây dựng ồ ạt vẫn còn đó. Thế nhưng, Tam Đảo dường như đang đi vào vết xe đổ của Sa Pa, Đà Lạt và không gian ở thị trấn mờ sương này đang từng ngày bị rừng bê tông "bức tử". Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy, trong đó có tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra trong một thời gian dài.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng “bảo tồn hay bê tông hóa” là vấn đề thực tại ai cũng hiểu rõ, thế nhưng nhiều địa điểm du lịch như Sa Pa, Đà Lạt và hiện nay là Tam Đảo vẫn loay hoay tìm bài toán cân bằng trên giấy, còn đất rừng vẫn để thất thoát mà bê tông hóa cứ ngày một lớn dần.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Việc để nhà đầu tư “dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san đồi, bê tông hóa” là những biến tướng hết sức nguy hiểm. Không một ai dám đảm bảo rằng khi có biến đổi về địa tầng sẽ không xảy ra thảm họa như ở Quảng Nam vừa qua. Ông cũng nhận định, trách nhiệm thuộc về UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo và cao hơn nữa là UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Không thể phủ nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc Tam Đảo đang bị "băm nát" và tình trạng vi phạm xây dựng xảy ra liên tiếp gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Thế nhưng, không hiểu tại sao những vấn đề nổi cộm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và các cơ quan quản lý cũng chưa chỉ ra những tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này?
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng như: Thi công sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng không đúng với thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt…
Ngày 1/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng yêu cầu “Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương”. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn diễn ra và gây bức xúc trong dư luận.
Mới đây nhất, tại Công văn số 4221/BXD-TTr của Bộ Xây dựng trả lời cử tri về việc kiểm tra, giám sát việc xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan tại nhiều địa phương cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm", Bộ Xây dựng khẳng định.
Trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Hùng - Nguyên Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, các cấp quản lý nhà nước phải có thái độ rất kiên quyết trong việc quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng. Các tỉnh, thành phố làm sai Bộ xây dựng phải “thổi còi”, báo cáo Thủ tướng; quận, huyện làm sai tỉnh, thành phố phải xử lý; phường, xã làm sai quận, huyện phải xử lý.
Đồng thời, nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực, kinh phí lập và duyệt quy hoạch phân khu. Đặc biệt là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị (hiện mới đạt chưa đến 40%) và công khai minh bạch tạo điều kiện quản lý và triển khai thực hiện, chống được cơ chế “xin - cho” trong cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, Thanh tra xây dựng các cấp cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm...
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng không chỉ riêng ở Tam Đảo mà còn trên cả nước, đặc biệt là những khu du lịch đang từng ngày bị "bê tông hóa". Việc này cần sự vào cuộc của các cấp chính địa phương và các Bộ ngành, có như vậy chúng ta mới giữ gìn được những bản sắc, giá trị của các điểm du lịch nổi tiếng trong đó có Tam Đảo.