Hà Nội, Thứ Năm Ngày 02/05/2024

Nghiêm trị với tài xế “ma men”

đại đoàn kết 09:47 11/06/2022

Những vụ tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn liên tiếp xảy ra gần đây với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng.

Những vụ tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn liên tiếp xảy ra gần đây với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Chế tài đã có, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã thực hiện, thế nhưng tài xế “ma men” vẫn nhan nhản trên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tái diễn những vụ tai nạn thương tâm…

--Tài xế “ma men” trở thành nỗi ám ảnh khi tham gia giao thông.

Ám ảnh những vụ tai nạn do tài xế “ma men”

Mới đây, dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng và bức xúc khi chứng kiến video ghi lại cảnh một chiếc xe Audi phóng như bay với tốc độ chóng mặt tông thẳng vào chiếc xe máy làm 3 người tử vong tại chỗ.

Cụ thể, đêm 2/6, chiếc ô tô hiệu Audi mang BKS 98A - 499.49 do Nguyễn Đức Thịnh (sinh năm 1987, cán bộ Sở GTVT Bắc Giang) lái trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh.

Tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, ô tô này tông trực diện vào xe máy do ông Nguyễn Mạnh H. (sinh năm 1974, ở phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) cầm lái chở theo vợ và con gái khiến 3 người tử vong.

Sau khi gây tai nạn, lực lượng chức năng đo nồng độ cồn với tài xế Thịnh và xác định người này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,604 mg/lít khí thở, gấp 1,5 lần mức tối đa theo quy định. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Đức Thịnh thừa nhận trước khi gây ra vụ tai nạn đã uống bia, rượu với bạn bè trong buổi chia tay.

Chiều 3/6, liên quan vụ tai nạn trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có công điện gửi đến các bộ, ngành về việc chấp hành quy định phòng chống tác hại của rượu, bia.

Phó Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên… thực hiện nghiêm các quy định về cấm sử dụng thức uống có cồn khi tham gia giao thông.

Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.

Ngày 4/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Nguyễn Đức Thịnh, về tội “vi phạm quy định về giao thông đường bộ”.

Theo Cục CSGT, chỉ tính từ 1/3 đến 1/6, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 62.500 trường hợp vi phạm, trong đó có 61.970 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm gần 10%).

Mới đây, tại cuộc họp chuyên đề ATGT diễn ra vào tháng 5/2022 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, đại diện Cục CSGT cho biết, ngày 10/2/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch về TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Tuy nhiên, số liệu xử lý cho thấy, tại không ít địa phương, việc xử lí còn rất kém, chỉ được vài đến vài chục trường hợp. Sự chênh lệch trong xử lý vi phạm giữa các địa phương một lần nữa đặt ra câu hỏi có hay không dấu hiệu lơ là, buông lỏng kiểm soát lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông?

Làm nóng các biện pháp tuần tra, xử lý

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình nhận định, sau một thời gian lắng xuống thì các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây lại có chiều hướng gia tăng, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, mọi hoạt động vui chơi giải trí đã trở lại bình thường.

Theo đánh giá của ông Bình, chế tài về xử lí vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông đã rất mạnh tay và đủ sức răn đe từ Nghị định 100 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau một thời gian gắt gao triển khai thực hiện công tác tuần tra kiểm soát và xử lí vi phạm, đến thời điểm hiện tại công tác này đã ít được thực hiện hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, kể từ khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, làm cho người dân trở nên lơ là, chủ quan và dần “quên” mất thói quen không lái xe sau khi uống rượu bia…

“Nhiều người quay trở lại con đường cũ, trở thành tài xế “ma men”, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người khác và cả chính bản thân mình. Chính hành vi lái xe trong khi say xỉn, không kiểm soát được bản thân đã gây nên rất nhiều vụ tai nạn thương tâm trong thời gian gần đây, làm bức xúc trong dư luận”- ông Bình nói.

Đề xuất các giải pháp liên quan đến xử lý và ngăn chặn triệt để tình trạng này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết, chúng ta có thể thực hiện thêm các biện pháp học tập từ Nhật bản đã áp dụng như: Phạt không chỉ người lái xe mà cả những người cùng ở trên xe, mở rộng hơn là các quán rượu bia khi đã biết đối tượng tham gia giao thông, say xỉn mà vẫn tiếp tục bán rượu bia cho họ.

Tuy nhiên, ông Bình cũng đồng thời nhấn mạnh, thực tế không cần thiết phải thêm các biện pháp xử phạt bổ sung như vậy. “Về biện pháp và chế tài đã là đủ, tuy nhiên việc tuần tra, kiểm soát và xử lý cần được triển khai thực hiện tăng cường với mật độ cao, liên tục và thường xuyên. Không chỉ dừng lại ở một vài tháng mà có thể đẩy cao điểm từ 1 đến 2 năm để người dân hình thành thói quen sau khi sử dụng rượu bia không điều khiển phương tiện giao thông…” - ông Phan Bình đề xuất.

Theo ông Bình, việc đẩy mạnh tuyên truyền với sự vào cuộc của báo chí và truyền thông cũng là một trong những biện pháp nhằm tác động vào ý thức cũng như thói quen của người tham gia giao thông, góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng tài xế “ma men” trong thời gian tới.

“Một khi người dân đã có ý thức tốt trong việc chủ động không lái xe khi uống rượu bia thì dù có uống say họ cũng sẽ tìm cách khác để di chuyển mà không liều lĩnh cầm lái. Còn đối với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khi tài xế vi phạm nồng độ cồn, nhất thiết cần xử lý hình sự”- ông Bình nhấn mạnh.

Link gốc : http://daidoanket.vn/nghiem-tri-voi-tai-xe-ma-men-5688395.html

Bạn đang đọc bài viết Nghiêm trị với tài xế “ma men” tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật