Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND tối cao, đề nghị truy tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" đối với 4 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Kết luận điều tra cho thấy, ngày 14/5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan (gọi chung là vụ án Công ty Nhật Cường).
Để nắm thông tin điều tra, ông Chung đã đặt vấn đề với ông Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an và được đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, bị can Phạm Quang Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được nhiều tài liệu có liên quan đến vụ án.
Kết luận điều tra cũng chỉ rõ, ông Phan Huy Lệ là người giới thiệu cho ông Nguyễn Đức Chung làm quen với Phạm Quang Dũng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ xác định ông Phan Huy Lệ biết việc bị can Phạm Quang Dũng chiếm đoạt tài liệu vụ án Công ty Nhật Cường cung cấp cho bị can Nguyễn Đức Chung. Do đó, cơ quan điều tra nhận định không có căn cứ xem xét xử lý đối với ông Phan Huy Lệ.
Ông Phan Huy Lệ sinh năm 1964 chính là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành.
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy Công ty TNHH Hà Thành được thành lập từ năm 1997, đóng trụ sở tại Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá và thuộc sở hữu 100% của vợ chồng doanh nhân Phan Huy Lệ.
Tại ngày 21/1/2020, Hà Thành có vốn điều lệ 568 tỷ đồng, trong đó ông Phan Huy Lệ chiếm 98,63%, bà Phạm Thị Tình sở hữu 1,37% còn lại. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chính là "Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác - mã ngành 4659". Tuy nhiên tại Thanh Hoá, Hà Thành lại được biết đến nhiều với dự án Thủy điện Thành Sơn công suất 30MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại huyện Quan Hoá.
Tên tuổi của Hà Thành còn được biết đến khi thông qua công ty thành viên là CTCP Xây dựng Dịch vụ và Hợp tác Lao động (OLECO) đầu tư dự án Khu đô thị và thương mại dịch vụ tổng hợp tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An vào năm 2011. Dự án này có diện tích hơn 33 ha nằm trên khu đất đắc địa bậc nhất huyện Diễn Châu, bao quanh là sông Bùng và có Quốc lộ 1A đi qua với tổng vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng. Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều tuy nhiên suốt 7 năm sau đó, thị trường khó khăn nói chung cùng năng lực hạn chế của chủ đầu tư khiến dự án rơi vào cảnh "trùm mền, đắp chiếu", OLECO sau đó cũng đã phải "dứt tình" với dự án này.
Bên cạnh đó, Hà Thành cũng từng hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại Dự án khách sạn tại địa chỉ 22 Phan Bội Châu - 80 Lý Thường Kiệt với diện tích khoảng 1.000 m2 vào năm 2013.
Về tình hình kinh doanh, trong 4 năm trở lại đây doanh thu thuần của Hà Thành có xu hướng tăng trưởng, như năm 2016 và 2017, chỉ tiêu này lần lượt ở mức 87,2 tỷ đồng và 152 tỷ đồng, con số này tiếp tục tăng và đến năm 2019 đạt 399,9 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận thuần lại có phần khiêm tốn khi chỉ dừng lại ở hàng trăm triệu, như năm 2019 là 117 triệu đồng.
Quy mô tài sản của doanh nghiệp này cũng ngày được mở rộng, tại ngày 31/12/2019 đã ở mức 1.127 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả lần lượt đạt 568,6 tỷ đồng và 558,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, vợ chồng ông Phan Huy Lệ còn có nhiều khoản đầu tư rất lớn khác ở Hà Nội, với "khẩu vị" chính là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Qua đó hình thành một nhóm doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn với "lõi" là Công ty TNHH Hà Thành.
Theo đó, ông Phan Huy Lệ hiện nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại CTCP Thiết bị Vật tư Ngân hàng (vốn 100 tỷ đồng), CTCP Ô tô Vận tải Hà Tây (vốn 30 tỷ đồng), CTCP Tư vấn Đầu tư Phát triển và xây dựng Thikeko, CTCP Xây dựng Dịch vụ và Hợp tác lao động (OLECO, vốn 10 tỷ đồng). Trong đó, Thikeco – tuy là doanh nghiệp quy mô khá nhỏ nhưng lại là chủ sở hữu mảnh đất 7.000 m2 trên phố Lương Thế Vinh, Trung Văn, Hà Nội.
Không chỉ giới hạn ở Hà Nội và Thanh Hoá, Hà Thành còn mở rộng hoạt động sang Nghệ An, với loạt doanh nghiệp như CTCP Thuỷ điện TLT (vốn 100 tỷ đồng) và CTCP Xi măng và VLXD Cầu Đước (chủ Nhà máy Xi măng Cầu Đước nay đã giải thể).
Ngoài ra dữ liệu Nhadautu.vn còn cho thấy, tổ chức tín dụng đồng hành cùng Hà Thành trong suốt chặng đường phát triển nhiều năm qua là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Thanh Hoá. Đây là nhà tài trợ vốn cho dự án Thuỷ điện Thành Sơn gần 1.000 tỷ đồng, nhận thế chấp cổ phần mà Hà Thành sở hữu tại CTCP Thiết bị Vật tư Ngân hàng và CTCP Ô tô Vận tải Hà Tây.