Ngày 24/5/2019, Bệnh viện K thông báo kết quả gói thầu mua sắm “hệ thống Robot phẫu thuật nội soi và thiết bị phụ trợ” DA VINCI XI SURGICAL SYSTEM MODEL IS 4000. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần đầu tư Y tế Việt Mỹ, giá trúng thầu là hơn 88,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với giá khai báo nhập khẩu hệ thống robot Da VINCI XI SURGICAL SYSTEM MODEL IS 4000, tháng 6 và tháng 10/2019, phóng viên Ngày Nay ghi nhận hệ thống robot tương tự chỉ lần lượt có mức giá là hơn 50,9 tỷ và hơn 67,8 tỷ đồng. Chênh lệch giá giữa 2 nơi lên tới 20 tỷ đến 37 tỷ đồng/Robot.
Điều đáng lưu ý là giá nhập khẩu của hai robot phẫu thuật nội soi tại Hải Quan là: hệ thống Robot phẫu thuật nội soi Da VINCI XI SURGICAL SYSTEM MODEL IS 4000 (hãng sản xuất Intuitive Surgical… INC) và phụ kiện kèm theo (9 mục, 39 chi tiết). Tuy nhiên, giá hệ thống Robot này theo giá khai báo nhập khẩu ngày 28/6/2019 có giá trị tính thuế là 67.823.633.385 đồng (trong đó tiền thuế là 3.391.181669,25 đồng). Tương tự, hệ thống robot Da VINCI XI SURGICAL SYSTEM MODEL IS 4000 và phụ kiện đi kèm nhập khẩu ngày 3/10/2019 có giá là 50.908.000.000 đồng.
Vậy, cùng là Robot phẫu thuật nội soi, cùng hãng, cùng model… nhưng không hiểu sao khi vào đấu thầu tại bệnh viện K, hệ thống robot này lại lên tới hơn 88 tỷ đồng, chênh lệch với giá nhập từ 21 tỷ đến 38 tỷ một Robot.
Không chỉ có sự chênh lệch trong việc đấu thầu mua sắm hệ thống Robot mà trước đó, năm 2018, bệnh viện K còn liên doanh liên kết với nhiều đơn vị bên ngoài để đặt máy chẩn đoán hình ảnh nhưng cũng có sự chênh lệch giá rất lớn. Mỗi hệ thống chênh lệch hàng tỷ cho tới hàng chục tỷ đồng.
Theo tài liệu chúng tôi có được, năm 2018, giá liên doanh liên kết hệ thống chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện K với đối tác có giá như sau: hệ thống máy chụp cắt lớp 128 lát cắt với chức năng chụp CT có giá 46.416523.100 đồng; hệ thống CT 16 lát cắt và thiết bị phụ trợ 12.506.130.000 đồng; 2 hệ thống MRI 1,5 tesla 87.469.800.000 đồng (43.734.900.000/máy); CT 64 lát cắt 23.370.000.000 đồng; CT SIM 64 dãy 26.711.000.000 đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, giá nhập khẩu các thiết bị này nhập khẩu vào năm 2018 như sau: Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và phụ kiện đi kèm model Revolution CT 128 lát cắt (hãng Ge Medical system sản xuất năm 2018), có giá 29.467.189.350 đồng, giá nhập ngày 20/3/2018. Trong khi, giá bệnh viện K liên doanh với đối tác là 46.416523.100 đồng. (chênh lệch hơn 17 tỷ đồng).
Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính CT 16 lát cắt và phụ kiện Model Revolution ACT hãng SX Ge HangWei Medical sản xuất năm 2018, giá nhập khẩu ngày 28/8/2018 là 3.247.278.720 đồng, giá bệnh viện K liên doanh là 12.506.130.000 đồng.
Máy chính máy chụp cắt lớp vi tính 64 lát cắt, Model Revolution EVO hãng SX GE Healthcare Japan Corportion, sản xuất năm 2018, có giá nhập khẩu ngày 3/5/2018 là 6.985.806.185 đồng/máy. Cộng với trạm làm việc và phụ kiện máy chụp cắt lớp vi tính này có giá 3.267.678. 815 đồng. Tổng cộng máy chụp cắt lớp 64 lát cắt trên 10.253.485.000 đồng. Tuy nhiên, giá liên doanh liên kết đưa ra tại bệnh viện K là 23.370.000.000 đồng. Chênh lệch hơn gấp 2 lần, gần 13 tỷ đồng.
Hình ảnh chẩn đoán của bệnh nhân tại Bệnh viện K |
Hệ thống máy cộng hưởng từ MRI 1,5 Tesla gồm: Hệ thống máy cộng hưởng từ và phụ kiện đi kèm Model Signa Explorer hãng SX Ge Medical System, sản xuất năm 2018, nhập khẩu ngày 3/12/2018 có giá là 2.728.761.000 đồng. Một phần của hệ thống cộng hưởng từ và phụ kiện model Signal Explorer hãng SX Ge Medical System Model năm 2018, nhập khảu ngày 22/11/2018, có giá nhập là 4.268.173.635 đồng. Khối từ của hệ thống máy cộng hưởng từ và phụ kiện đi kèm model Signal Explorer hãng SX Ge Madical System sản xuất năm 2018 chỉ có giá nhập là 6.298.339.385 đồng;, nhập khẩu ngày 28/11/2018. Tổng cộng hệ thống công hưởng từ 1,5 Tesla tương ứng chỉ có giá 13.295.274.020 đồng. Nhưng giá liên doanh mà bệnh viện K và đối tác đưa ra là 43.734.900.000. Với việc đặt 2 hệ thống công hưởng từ này, thì tổng số tiền chênh lệch ước tính gần 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngày Nay còn nhận được phản ánh về các trang thiết bị điều trị liên doanh liên kết giữa bệnh viện K và đối tác cũng rất cao.
Ví dụ như: Hệ thống gia tốc tuyến tính xạ trị điều biến liều kèm theo phụ kiện 2 hệ thống có tổng thành tiền là 119.200.000.000 đồng. Hệ thống gia tốc tuyến tính xạ trị có chức năng xạ trị định vị (SRS/SRT, SBRT) có giá 116.500.000.000 đồng (gồm hệ thống gia tốc tuyến tính xạ trị có chức năng xạ trị định vị 91.500.000.000 đồng và hệ thống kiểm chuẩn liều kỹ thuật VMAT 3.000.000.000 đồng và hệ thống kiểm chuẩn liều kỹ thuật xạ phẫu 2.000.000.000 đồng, hệ thống cố định bệnh nhân làm xạ phẫu + đồng bộ nhịp thở có tổng trị giá 20.000.000.000 đồng (hệ thống cố định 5 tỷ và hệ thống đồng bộ nhịp thở 15 tỷ). Hệ thống xạ phẫu Gamma Knife 165.150.000.000 đồng….
Như vậy, với việc mua sắm robot, liên doanh liên kết đặt trang thiết bị y tế cơ bản trên tại bệnh viện K đã có sự chênh lệch, cao hơn giá mà các hệ thống tương đương với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 13/11/2020, sau khi gọi điện thoại liên hệ với giám đốc bệnh viện K, phóng viên Ngày Nay đã gặp và chuyển các câu hỏi liên quan tới lãnh đạo bệnh viện K. Tuy nhiên đến nay, Ngày Nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Khi giá thầu mua sắm, liên doanh liên kết trang thiết bị y tế có sự chênh lệch cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến người bệnh?. Tiền vào túi bệnh viện hay liên doanh?