Sáng 8/1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, năm 2019, KTNN đã thực hiện 212 cuộc kiểm toán. Nhờ các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, đến nay toàn ngành đã hoàn thành và phát hành 248/290 Báo cáo kiểm toán (BCKT) theo kế hoạch kiểm toán năm 2019.
Về kết quả kết quả phối hợp công tác, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cũng cho biết, KTNN đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Dân Việt thông tin.
Sai phạm ở bán đảo hồ Đống Đa |
Đồng thời, KTNN đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bao gồm vụ việc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam;
Vụ việc của Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay trái quy định gây thiệt hại NSNN;
Vụ việc quản lý, sử dụng 2.927m2 tại BTL 0146 ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm thực hiện Dự án xây dựng nhà ở để bán, văn phòng cho thuê kết hợp dịch vụ thương mại tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội;
Vụ việc quản lý, sử dụng khu đất 5.644m2 tại Bán đảo hồ Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hà Thủy;
KTNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xem xét xử lý theo quy định pháp luật các vụ việc tại Dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày. Trong đó, 2 vụ việc đầu tiên đều xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Mới đây, liên quan đến những ồn ào tại Bán đảo hồ Đống Đa (phường Ô Chợ Dừa), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thu hồi đất để thực hiện xây dựng công viên vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật.
Công ty Hà Thủy là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1985, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Công ty được giao quản lý hồ Đống Đa cùng với một số hồ trên địa bàn Hà Nội để phục vụ công tác thoát nước và cải tạo môi trường, cảnh quan.
Năm 2004, Công ty Hà Thủy tiến hành cổ phần hóa theo chủ trương của TP Hà Nội và có vốn điều lệ là 6 tỷ đồng; trong đó Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội chiếm 51% vốn điều lệ, còn lại các cổ đông chiếm 49%..
Tuy nhiên, khi xác định giá trị cổ phần hóa UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp Công ty Hà Thủy, trong đó có đưa 2.000 m2 đất (được giao công ty quản lý từ năm 1998) tại bán đảo hồ Đống Đa vào mục đích sản xuất kinh doanh không đúng quy hoạch chi tiết 1/2000 được phê duyệt.
Giai đoạn sau cổ phần hóa, năm 2008 UBND TP Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Thủy cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa, diện tích nghiên cứu gần 5.700 m2, xây dựng nhà 2 tầng và 1 tầng hầm với chức năng tầng 1 sử dụng để xe, kho, trung tâm kỹ thuật phục vụ, tầng 1,2 phục vụ luyện tập thể dục, thể thao và vui chơi.
Đến tháng 4/2009, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hà Thủy (Bên A) và Công ty cổ phần Đồng Lực (Bên B) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện dự án trên mặt bằng dự kiến 2.000 m2; tổng giá trị đầu tư 21,6 tỷ đồng (bên A góp 35%, bên B góp 65%).
Tới năm 2012, hai bên ký phụ lục hợp đồng, tăng vốn đầu tư lên 10 tỷ đồng. Năm 2013 ký tiếp phụ lục hợp đồng, sửa đổi nội dung bên B chịu trách nhiệm vốn để xây dựng các hạng mục, sau khi hoàn thành thì bên A giao khoán cho bên B toàn quyền khai thác kinh doanh với thời hạn 10 năm, giá trị 250 triệu đồng/tháng (3 tỷ/năm) từ ngày 1/4/2014. Tiền thuê đất do bên B chuyển cho bên A để nộp ngân sách.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 2/4/2013, Công ty cổ phần Đồng Lực (Bên A) và Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Bên B) ký hợp đồng giao khoán kinh doanh, nội dung bên B trả số tiền đã đầu tư giai đoạn I là trên 7,5 tỷ đồng và được giao khoán kinh doanh 10 năm từ ngày 10/4/2013, giá trị giao khoán 350 triệu đồng/tháng, ngoài ra phải trả tiền thuê đất, các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động của dự án.
Đến năm 2014, Công ty cổ phần Đồng Lực và Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng đã ký phụ lục hợp đồng chỉnh sửa thời hạn giao khoán kinh doanh là 13 năm. Công ty Đồng Lực đồng ý để Công ty Lã Vọng ứng vốn đầu tư và được giao khoán kinh doanh toàn bộ dự án có diện tích 5.644 m2 nhằm mục đích kinh doanh nhà hàng.
Tháng 2/2015, công trình xây dựng cơ bản hoàn thành, giá trị đầu tư giai đoạn I là 6,22 tỷ đồng, giai đoạn II gần 13 tỷ đồng. Công ty Lã Vọng đã khai thác sử dụng làm nhà hàng ăn uống diện tích 961 m2.
“Khi xác định lại giá đất ở thời điểm 2013 để làm cơ sở tính tiền thuê đất lần đầu, Sở Tài chính Hà Nội không thuê tư vấn thẩm định là chưa đúng quy định tại Thông tư số 94/2011 của Bộ Tài chính”- kết luận nêu.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Hà Thủy sử dụng tầng 1 đúng diện tích quy hoạch. Báo Dân trí thông tin.
“Kiểm tra, xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thu hồi đất để thực hiện xây dựng công viên vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật”- Thanh tra Chính phủ kiến nghị.