Chiều nay (4/1), TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử Phan Văn Anh Vũ cùng 20 bị cáo trong vụ án thâu tóm đất "vàng" trên địa bàn TP Đà Nẵng. Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện VKS đối với 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
Khu đất 4.700 tỷ đồng nhưng Phan Văn Anh Vũ thâu tóm chỉ 87 tỷ với sự tham gia của ông Trần Văn Minh |
Trước những lời khai của cựu chủ tịch Trần Văn Minh tại tòa, Viện kiểm sát cho biết, cơ quan truy tố "cảm thấy rất gợn" bởi lẽ trong quá trình trả lời thẩm vấn, các bị cáo là cấp dưới của hai cựu chủ tịch đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật theo chỉ đạo cấp trên.Tuy nhiên, bị cáo Trần Văn Minh lại khẳng định những chủ trương, quyết định đã thực hiện đều phù hợp pháp luật.
Ngay sau phần trả lời của bị cáo cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, đại diện VKS đề nghị giám định viên tư pháp của Bộ xây dựng giải thích cho HĐXX hiểu hơn việc TP Đà Nẵng áp dụng các quy định để bán nhà đất công sản trong vụ án này là trái quy định.
Giám định viên cho biết, ngày 1/11/2007, UBND TP Đà Nẵng có quyết định do bị cáo Minh ký. Trong đó, điều 1 có nêu: “Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện đang cho các tổ chức, cá nhân thuê ở khi được TP phê duyệt bán nhà hoặc chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền một lần…”.
Điều này trái với Nghị định 61/1994. Bởi những người đang thuê nhà ở của nhà nước thì được mua, nhưng khi mua thì phải theo các quy định của Nghị định 61/1994. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng lại thực hiện bán theo diện công sản, trái với quy định pháp luật.
Giám định viên cũng nhắc tới Nghị định 38/2000 - quy định mà ông Minh viện dẫn để cho rằng việc giảm 10% tiền sử dụng đất là hợp lý.
Theo giám định viên, tháng 10/2004, nghị định này hết hiệu lực, thay thế bằng Nghị định 198/2004. Do vậy các quyết định của Chủ tịch UBND TP sau thời điểm này là trái với Nghị định 198 vì Nghị định 198 không quy định việc giảm tiền sử dụng đất.
Tương tự, với Quyết định 140/2008 mà cựu chủ tịch Đà Nẵng đưa ra, có ba trường hợp được bán nhà đất công sản chỉ định. Thứ nhất là sau thời hạn thông báo đấu giá mà chỉ có một tổ chức tham gia. Thứ hai là bán để phục vụ mục đích xã hội hóa.
Thứ ba là bán cho những tổ chức cá nhân đang thuê cơ sở nhà đất đó nhưng với điều kiện phải nằm trong phương án tổng thể sắp xếp đã được phê duyệt, và phải là Sở Tài chính thẩm định giá để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
“Nếu bán mà không đáp ứng đủ các điều kiện đó thì có nghĩa là trái với quyết định của Thủ tướng” - giám định viên nói.
Cũng tại chiều nay, Viện kiểm sát cũng thẩm vấn cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến. Đối với dự án 29ha khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo Chiến nói đây là đất mặt nước, nhưng sau nhiều lần truy xét, bị cáo này thừa nhận theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường thì thời điểm bán, dự án này là đất.
Viện kiểm sát đưa ra dẫn chứng, kết luận của hội đồng thẩm định giá trung ương xác định giá trị khu đất trên là hơn 4.700 tỷ đồng nhưng bị cáo nghĩ gì khi ký quyết định bán giá 87 tỷ đồng?
Bị cáo Chiến lý giải dù được phân công phụ trách mảng tài nguyên - môi trường nhưng việc bán nhà đất công thì do chủ tịch thời đó là ông Trần Văn Minh trực tiếp giải quyết.
Bị cáo Chiến đưa ra lý do thời điểm đó thành phố như đại công trường, bị cáo không thể kiểm tra, giám sát hết.