Thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài. Nhiều vụ việc kéo dài đến hàng chục năm, phức tạp khó giải quyết. Để giải quyết những vụ việc tranh chấp phức tạp này thì nhiều chính quyền địa phương đã chọn phương án giữ nguyên hiện trạng đất và chờ phán quyết từ Tòa án nhân dân các cấp.
Tuy nhiên cũng không ít những trường hợp chính quyền địa phương lại xảy ra tình trạng "bỏ ngoài tai" cho công trình không phép xây dựng trên phần đất đang tranh chấp. Chính sự việc này khiến cho nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện càng khó giải quyết.
Mới đây, Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được phản ánh từ của ông Nguyễn Thiện Lượng (sinh năm 1941, có địa chỉ tại tổ dân phố Tháp, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Theo nội dung đơn thư ông Lượng đã tố cáo việc UBND phường Đại Mỗ, cụ thể là ông Nguyễn Viết Hùng - Phó chủ tịch UBND phường, ông Nguyễn Quang Hiển - Tổ trưởng tổ Thanh tra xây dựng phường Đại Mỗ đã bao che cho ông Trịnh Quang Hòa xây dựng công trình không phép trên phần đất đang tranh chấp.
Pháp luật Plus xin được trích đăng một phần nội dung đơn thư của ông Lượng:
“Gia đình tôi có 8 anh chị em. Năm 1990 vợ chồng tôi nghỉ hưu và đưa các con về quê sống trên mảnh đất thửa số 395 tờ bản đồ số 19 của bố mẹ tôi là ông Nguyễn Thiện Lương và bà Nguyễn Thị Hợi tại địa chỉ tổ dân phố Tháp, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Với lý do nhà đông người tránh va chạm sau này nên bố mẹ tôi tách đất ở cho vợ chồng tôi với diện tích sử dụng là 190m2 (Việc này được cả gia đình thống nhất và ký tên trong việc cấp sổ đỏ). Gia đình sử dụng ổn định không tranh chấp.
Năm 2004, khi tôi vắng nhà các em tôi đã tác động tới bố mẹ tôi bán đất cho ông Trịnh Quang Hòa. Sau đó ông Hòa đã xóa cột mốc giới xây tường nhà lấn chiếm sang đất nhà tôi.
Năm 2006 sau khi bố tôi mất, phòng công chứng số 6 đường Kim Đồng quận Hoàng Mai Hà Nội có gửi thông báo về UBND xã Đại Mỗ về việc khai nhận thừa kế thửa đất 252 tờ 7 diện tích 154m2 của bố mẹ tôi (không có tên tôi).
Bố mẹ tôi mất không để lại di chúc, như vậy quyền thừa kế tài sản thuộc về 8 anh em tôi. Tôi đã làm đơn đề nghị hủy việc mua bán trao đổi bất hợp pháp này. Chính vì vậy sổ đỏ hiện tại vẫn đứng tên bố tôi là ông Nguyễn Thiện Lương.
Hiện tại, ông Trịnh Quang Hòa mượn sỏ đỏ của bố mẹ tôi để xây dựng và đang xây dựng nhà ở trên mảnh đất lấn chiếm và mua bán trái phép.
Mặc dù tôi đã 2 lần trình đơn đề nghị UBND phường Đại Mỗ, Tổ Thanh tra xây dựng đề nghị cho dừng ngay việc xây dựng trái phép để đảm bảo quyền lợi của tôi trên mảnh đất bố mẹ tôi để lại.
Tuy nhiên Uỷ ban nhân dân phường Đại Mỗ vẫn để cho gia đình ông Hòa ngang nhiên xây dựng trái phép trên mảnh đất đang tranh chấp hiện tại đã gần hoàn thiện”.
Công trình đã xây dựng xong phần thô và đang đi vào hoàn thiện. |
Qua đơn thư và ghi nhận thực tế của Phóng viên Pháp luật Plus, tại thửa đất bị tranh chấp trên tồn tại một công trình xây dựng đã gần hoàn thiện.
Trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus ông Nguyễn Thiện Lượng bức xúc cho biết: "Mặc dù mảnh đất này đang xảy ra tranh chấp, gia đình tôi cũng đã nhiều lần gửi đơn đến UBND phường Đại Mỗ nhưng đến nay công trình đã gần hoàn thiện và đi vào sử dụng".
Việc UBND phường Đại Mỗ để xảy ra tình trạng xây dựng trên đất đang có khiếu kiện đang làm cho sự việc thêm phức tạp.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp luật Plus tại quyển sổ đỏ số: 00514/QSDĐ/2455/QĐ-UB ngày 27/12/2002 thửa đất 252 tờ 7 là sở hữu của gia đình ông Nguyễn Thiện Lương. Tuy nhiên việc mua bán với ông Trịnh Quang Hòa, ông Lượng lại không hề hay biết.
Việc mua bán, thừa kế... tại mảnh đất trên chưa được định đoạt bằng phán quyết của Tòa án nhân dân thì bất ngờ ông Trịnh Quang Hòa lại xây dựng trên mảnh đất đang tranh chấp. Hơn nữa việc xây dựng của ông Trịnh Quang Hòa lại được UBND phường Đại Mỗ và Tổ thanh tra xây dựng “làm ngơ” để hoàn thiện.
Công trình đào móng thi công bên trong nhưng UBND phường Đại Mỗ không hay biết. |
Để khách quan thông tin đến bạn đọc Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hùng - Phó chủ tịch UBND phường Đại Mỗ. Ông Hùng cho biết: “Đơn thư của ông Lượng phường đã nhận được từ lâu. Việc này bố mẹ ông ấy bán đất từ lâu rồi. Cái này tranh chấp hơn 10 năm. Công trình cấp 4 đất ở hợp pháp đã bán cho ông Hòa nhưng vì ông Lượng chưa ký nên chưa chuyển nhượng được. Toàn bộ nhà cấp 4 bán cho người ta sập xệ xuống cấp rất nguy hiểm. Nhà người ta chỉ dỡ ra lợp lại mái, không thay đổi không lấn chiếm, không xây dựng mới...”.
Công trình đã hoàn thiện bên trong và được ngăn chia thành gác lửng bên trong. |
Tại một diễn biến khác khi Phóng viên Pháp luật Plus làm việc với ông Nguyễn Quang Hiển - Tổ trưởng tổ Trật tự xây dựng đô thị phường Đại Mỗ thì được biết: “Công trình trên là của gia đình ông Trịnh Quang Hòa. Công trình trên đã được các người con (trừ ông Lượng) làm đơn ra UBND phường Đại Mỗ xin cải tạo sửa chữa. Công trình trên thuộc dạng cải tạo sửa chữa nên công dân có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm...”.
Được biết tại biên bản làm việc ngày 31/3/2020 ông Nguyễn Viết Hùng đã kết luận: “Đề nghị các anh chị em của ông Nguyễn Thiện Lượng và ông Hòa liên hệ với Tòa án nhân dân để giải quyết việc tranh chấp đất đai.
Giao Thanh tra xây dựng lập hồ sơ theo trình tự và xử lý công trình xây dựng sửa chữa cải tạo theo quy định của pháp luật đối với phần xây dựng sai quy định”.
Công trình xây dựng bên trong tường bao cũ được ngăn chia gác lửng. |
Mặc dù cả Phó chủ tịch và Thanh tra xây dựng phường Đại Mỗ đều khẳng định đây là công trình sửa chữa. Tuy nhiên theo ghi nhận hiện trạng của Phóng viên Pháp luật Plus công trình được đào móng, xây dựng tường gạch kiên cố bên trong.
Mặc dù đã nhiều lần kiểm tra nhưng UBND phường Đại Mỗ lại không thể đình chỉ thi công công trình xây dựng trên đất đang tranh chấp.
Việc UBND phường Đại Mỗ mặc cho công trình xây dựng trên phần đất đang tranh chấp càng gây khó khăn cho quá trình giải quyết việc phân chia tài sản. Việc làm này khiến dư luận không khỏi hoài nghi việc lãnh đạo UBND phường Đại Mỗ có đang buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn?
Theo Pháp Luật Plus