Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại sau khi xét hỏi các bị cáo, bị hại và nhân chứng - Ảnh: TIẾN THẮNG |
Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), sau khi xem xét lời khai của các bị cáo, bị hại, nhân chứng và những người liên quan tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11-5, VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ vụ án vợ chồng chủ Công ty TNHH Lâm Quyết để điều tra lại nhằm làm rõ các mâu thuẫn trong vụ việc.
Tại tòa, HĐXX cũng đã cho các bị cáo Lẫm và Quyết đối chất trực tiếp với người bị hại là vợ chồng ông Đỗ Văn Tới.
Hai bị cáo khăng khăng khẳng định đã hoàn trả khoản tiền 900 triệu đồng cho ông Tới. Tuy nhiên, giấy biên nhận để chứng minh đã bị mất sau khi Đường "Nhuệ" cho quân đến chiếm đóng bất hợp pháp trụ sở công ty.
Trong khi đó, ông Tới vẫn khẳng định mình vẫn chưa được trả tiền, và điều này có thể được chứng minh bằng 42 tin nhắn mà ông này đã nhắn cho bị cáo Lẫm và trên hợp đồng vay vốn.
Tuy nhiên, điều này bị bị cáo Quyết phủ nhận vì các tin nhắn không nói rõ số tiền nợ và hợp đồng vay tiền đã hết hạn.
Trong phần tranh luận, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng quá trình điều tra và HĐXX phiên sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay vẫn chưa thể làm rõ được các mâu thuẫn giữa các bị cáo và bị hại, nhiều nội dung về việc thế chấp xe, giấy tờ chiếc xe ôtô Toyota Camry chưa được thể hiện trong hồ sơ và tại phiên xét xử.
Đại diện VKSND cấp cao cho rằng tại phiên xử phúc thẩm, lời khai của Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 49 tuổi - trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) và các nhân chứng đã cho thấy Đường "Nhuệ" có hành vi xâm phạm trái phép Công ty TNHH Lâm Quyết.
Đây cũng là cơ sở để vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết kêu oan khi bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đại diện VKSND cấp cao đề nghị HĐXX phúc thẩm cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Tại tòa, Đường "Nhuệ" thừa nhận nhiều lần có mặt tại trụ sở Công ty Lâm Quyết sau khi được vợ là Nguyễn Thị Dương thông báo việc vợ chồng ông Lẫm không còn có mặt tại công ty này, và cho rằng mình đến công ty Lâm Quyết là để "bảo vệ" tài sản bên trong công ty này vì nhiều chủ nợ khác muốn lấy đi.
Trước câu hỏi hỏi khi đến "bảo vệ" công ty Lâm Quyết thì có báo cáo chính quyền địa phương, hay đăng ký tạm trú và có được sự đồng ý của vợ chồng ông Lẫm hay không, Nguyễn Xuân Đường cho biết khi đến có báo cáo với chính quyền địa phương nhưng không đăng ký tạm trú, và dù có điện thoại nhưng không được ông Lẫm đồng ý cho "bảo vệ".
"Nhà anh, anh đang ở hợp pháp và không cho phép ai đến thì anh có nên đến không? Nếu vẫn cố vào mà người ta bị mất cái gì thì liệu anh có nghi ngờ người ta hay không?" - đại diện VKS truy hỏi.
Nguyễn Xuân Đường không trả lời câu hỏi này, nhưng vẫn cho rằng mình không sai.
Phiên tòa phúc thẩm vụ án "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" liên quan chủ Công ty TNHH Lâm Quyết vẫn đang tiếp diễn với phần bào chữa của các luật sư trước khi HĐXX vào phần nghị án.
Tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật...
Theo Tuổi Trẻ