Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Cần linh hoạt hơn với phương án duy trì sản xuất ‘3 tại chỗ’

TDVN 09:35 15/08/2021

Việc sản xuất “3 tại chỗ” vẫn được đánh giá tốt nhưng không thể duy trì mô hình này quá lâu, bởi các ngành sản xuất, xuất khẩu cần có kế hoạch linh động hơn.

Phát sinh nhiều khó khăn

Tính đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hầu hết tỉnh, thành phía Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào nhà máy, khu công nghiệp.

Trong đó, các doanh nghiệp thủy sản đã thực hiện nghiêm quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. Tuy nhiên, qua 2 tuần triển khai thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản (trong tổng số gần 450 doanh nghiệp) tại các tỉnh, thành phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” nhưng các nhà máy này cũng chỉ huy động được từ 30-50% số lượng lao động so với bình thường. Do đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn từ 40-50% so với trước đây.

Dự tính công suất chế biến chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Không thể duy trì mô hình này quá lâu, bởi các ngành sản xuất, xuất khẩu cần có kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế. Ảnh minh họa.

VASEP cũng cho biết, trong khi xuất khẩu bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất và doanh nghiệp đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do Covid-19 như: trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần, cộng thêm chi phí đầu vào và logistic tăng mạnh... Với thực tế khó khăn hiện nay, VASEP lo ngại, sản xuất và xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ tuột dốc nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho phục hồi sản xuất, xuất khẩu và duy trì sinh kế cho công nhân, nông, ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch.

Giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất

Để ngành chế biến xuất khẩu thủy sản không đánh mất các cơ hội thị trường đang có, VASEP vừa gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản.

Trước mắt, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động trực tiếp sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu nói chung và sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng.

Đặc biệt, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong các nhà máy đang áp dụng phương thức sản xuất “3 tại chỗ” tại các địa phương. Đây là điều kiện quan trọng để ngành chế biến thủy sản vừa duy trì sản xuất; tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động vừa giữ được lượng đơn hàng xuất khẩu lớn nửa cuối năm.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cho rằng, không thể duy trì mô hình sản xuất “3 tại chỗ” quá lâu, các ngành sản xuất, xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại địa phương và tỷ lệ tiêm vaccine của người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cho phép được chủ động lên phương án sản xuất, doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất nếu chuẩn bị đủ các điều kiện chống dịch sẽ hoạt động lại để kịp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.

Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay và những khó khăn phát sinh từ việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, để có các hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất - xuất khẩu, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ.

Có chính sách ưu tiên về giảm lãi suất vay ngân hàng; giảm 30% tiền điện ít nhất hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương để các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu sau giai đoạn “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, VASEP cũng đề xuất, Bảo hiểm Xã hội chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/can-linh-hoat-hon-voi-phuong-an-duy-tri-san-xuat-3-tai-cho-d190037.html

Bạn đang đọc bài viết Cần linh hoạt hơn với phương án duy trì sản xuất ‘3 tại chỗ’ tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân