Tiếp nhận hàng hoá, nhu yếu phẩm tới người tiêu dùng thông qua chương trình |
Sáng tạo, đổi mới tiêu thụ và kết nối sản xuất, kinh doanh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong tiêu thụ nông sản. Nguyên nhân bởi hàng loạt địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa nên khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa. Tình hình dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên dành tiền cho các mặt hàng thực sự thiết yếu. Đặc biệt, hàng loạt khách sạn, nhà hàng đóng cửa; các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp cũng dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do các nhà máy giảm tối đa lực lượng công nhân viên, người lao động hoạt động trực tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, trái cây giảm xuống.
Giữa bối cảnh trên, đã có nhiều điểm đột phá, sáng tạo, linh hoạt hơn trong triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch, đảm bảo tiêu thụ hết hàng hóa cho người dân, đặc biệt trước sự huy động vào cuộc của doanh nghiệp, các “mạnh thường quân”.
“Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” là tên một trong những chương trình được Bộ Công Thương phối hợp Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, đơn vị tổ chức kêu gọi các nhà tài trợ, nhà hảo tâm ngay ủng hộ hiện vật, quà tặng thiết yếu cho người yếu thế tại TP. Hồ Chí Minh bằng cách mang trực tiếp tới các điểm bưu cục của Viettel Post trên toàn quốc, trong đó có hàng hóa nông sản đang đến kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Viettel Post triển khai Chương trình “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”.
Tiếp nhận hàng hoá, nhu yếu phẩm tới người tiêu dùng thông qua chương trình |
Để thực hiện chương trình, các địa phương sẽ huy động nguồn hàng tài trợ, Viettel Post nhận các hàng hóa thiết yếu, chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển miễn phí và giao hàng đến các điểm cách ly, phong tỏa để hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn. Thời gian tới, nguồn hàng tài trợ có thêm các sản phẩm nông sản đến kỳ thu hoạch để vừa hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, vừa đa dạng hàng hóa hỗ trợ bà con gặp khó khăn.
Ngoài ra, đưa nông sản vào các điểm bán hàng cố định, lưu động của các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bưu điện như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Viettel Post được kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ mạnh hơn các loại nông sản đến kỳ thu hoạch cho bà con.
Chợ bán hàng “combo”
Sau thời gian tạm ngưng hoạt động do COVID-19, chợ Bình Thới (Q.11, TPHCM) đã mở cửa trở lại. Nhưng thay vì tiểu thương bán trong nhà lồng như trước thì nay được bố trí lưu động ngoài sân chợ thông thoáng, Ban quản lý chợ phân ô, kẻ vạch và thực hiện quy trình 1 chiều đối với khách đến chợ.
Đặc biệt, chợ Bình Thới vận động tiểu thương bán hàng dạng "combo", đóng gói sẵn thực phẩm thành từng túi, gói từ 0,5-1kg. Khách đến chợ chỉ việc chọn hàng, thanh toán và cho vào giỏ để hạn chế tiếp xúc lâu. Việc bán hàng "combo" được nhiều tiểu thương hưởng ứng. Các loại thịt, rau củ quả đều được cho vào hộp và bao gói sẵn. Tất cả tiểu thương đều trang bị găng tay, tấm chắn giọt bắn khi phục vụ khách.
Mặc dù khá lạ lẫm và mất thêm thời gian đóng gói, nhưng các tiểu thương đều cố gắng thực hiện cách thức mới, với mong muốn chợ an toàn. Đặc biệt, để đảm bảo phòng chống dịch tốt nhất, quy tắc một chiều được thực hiện nghiêm, luôn có nhân viên chợ nhắc nhở và kiểm soát.
Một điểm bán hàng lưu động theo "combo" của một số siêu thị tại TP.HCM |
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngoài các chợ cũ vẫn mở ổn định, hiện toàn thành phố đã có hơn 30 chợ hoạt động trở lại, theo mô hình điểm bán thực phẩm tươi sống, đảm báo an toàn đã được hướng dẫn cụ thể. Trong đó, quy định rất chặt chẽ trong việc phòng chống dịch nên từ khi mở lại, các mô hình này chưa phát hiện có ca lây nhiễm.
Hiện nay, một số hệ thống phân phối (Aeon, Vinmart, Viettel Post...), siêu thị được Sở Công thương TP.HCM khuyến khích tăng cường hình thức cung cấp hàng thiết yếu theo “combo” tại các điểm bán hàng. Trong đó bổ sung thêm gói “combo” mặt hàng nông sản của các địa phương đến vụ thu hoạch. Từ đó, tăng lượng tiêu thụ các loại nông sản này.
Ví dụ như chuỗi cửa hàng GS25 vừa qua cũng đưa ra 5 combo hàng hóa từ tươi sống, thịt các loại, rau củ quả đến gạo với giá từ 100.000 - 400.000 đồng/combo, tùy mặt hàng và trọng lượng. Hệ thống Vinmart, Vinmart+, cũng đồng loạt đưa ra giải pháp chung theo từng khu phố, phường, xã… đặc biệt, tại các địa phương đang có nhiều chợ truyền thống đóng cửa. Hình thức bán hàng theo “combo”, mua chung sẽ giảm tình trạng người dân đổ dồn về kênh mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng cùng thời điểm. Đơn vị bán hàng chủ động phân bổ mặt hàng, số lượng, soạn đơn hàng tốt hơn, tiết kiệm thời gian cho người dân, qua đó đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, được đánh giá cao.