Theo đó, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng cho việc hợp tác đầu tư kinh doanh vào các dự án bất động sản. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu tại ngày phát hành là 22,8 triệu cổ phiếu CRE của Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenLand); 22,7 triệu cổ phiếu CRE chờ về (là cổ phiếu có được do thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm của Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ); 1,37 triệu cổ phiếu CRE chờ về là cổ tức bằng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ).
Về tình hình kinh doanh tại Cen land (CRE), trong quý 2/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.644 tỷ đồng cao gấp 3,8 lần cùng kỳ.
Trong kỳ CRE có hơn 12 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ, tuy nhiên các chi phí cũng đồng loạt tăng mạnh trong đó chi phí tài chính tăng từ 556 triệu đồng lên hơn 42 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng tăng cao gấp hơn 2 lần lên gần 30 tỷ đồng.
Kết quả Cen Land lãi sau thuế 128 tỷ đồng tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 1.324 đồng.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của công ty tăng khoảng 37% lên mức hơn 5.209 tỷ đồng. Đáng chú ý hàng tồn kho lên tới 1.291 tỷ đồng tăng cao gấp 40 lần đầu kỳ và chiếm 25% tổng tài sản. Trong khi vốn chủ sở hữu tăng 11,5% thì nợ phải trả tăng 66%, riêng vay ngắn hạn và dài hạn là 2.137 tỷ đồng chiếm 41% trong tổng nguồn vốn.
Trước đó tháng 5/2019, Cen Invest tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 500 tỉ đồng. Tới tháng 4/2021, doanh nghiệp này tiếp tục nâng quy mô vốn lên 2.000 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Vương Hồng Khanh (SN 1975).
Cen Invest được biết đến là chủ đầu tư một số dự án bất động sản như: Khu nhà liên kế vườn Lovera Park (quy mô 20ha, huyện Bình Chánh, Tp. HCM); Chung cư Parkview Residence (Hà Đông, Hà Nội); hay dự án Khu dân cư mới Diêm Phố, xã Hưng Lộc, xã Minh Lộc, huyện Lộc Hậu, tỉnh Thanh Hóa (liên danh cùng CTCP Đầu tư và Xây dựng ADI).
Những rủi ro về trái phiếu được cảnh báo liên tục?
Trước đó, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phát biểu trước báo giới, hiện người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu DN vì họ thấy “bóng dáng” của các ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu. Số liệu báo cáo gần đây cho thấy, về cơ cấu mua trái phiếu DN trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Nhưng, không thể khẳng định được lượng trái phiếu này chỉ nằm yên ổn trong túi công ty chứng khoán và ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
Ông Hiếu phân tích, ngân hàng chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc DN có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu DN phát hành vỡ nợ.
Đôi nét về ông chủ CEN Group?
Ông Nguyễn Trung Vũ sinh ngày 14/11/1971 tại Thái Bình. Ông Vũ sinh ra trong gia đình có 8 anh em, và đã trải qua thời niên thiếu đầy sóng gió, khó khăn.
Ông Nguyễn Trung Vũ cũng đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Cen Group và Cen Land (Mã CK: CRE).
Năm 1997 ông Vũ, sau khi tốt nghiệp đại học Thăng Long thì về đầu quân cho tập đoàn FPT. Sau bốn năm làm việc, ông quyết định rẽ lối, thành lập công ty môi giới bất động sản để tìm hướng đi riêng cho mình.
Năm 2002, Cen Group được thành lập, với thành viên đầu tiên là Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ - Cen Land. Những ngày đầu thành lập, công ty chỉ có vài ba nhân viên và cộng tác viên tại Hà Nội.
Khi đó, ông Vũ cho rằng phải có sự khác biệt và tiến hành mua nhượng quyền thương hiệu môi giới đất động sản của Công ty Cendant (Mỹ), đặt tên công ty là Century 21 - Trường Thành. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Hà Nội mua quyền chuyển nhượng thương hiệu từ tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới của Mỹ.
Năm 2007, ông Vũ quyết định dừng hợp tác và chính thức đổi tên thành Công ty bất động sản Thế kỷ (Cen Group), đồng thời tăng vốn điều lệ lên 10 tỉ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, tính đến tháng 2/2019, vốn điều lệ của Cen Group đã lên đến 800 tỉ đồng.
Theo thông tin trên website của Cen Group, ở thời điểm tháng 4/2018, công ty đã có hơn 120.000 khách hàng, hơn 3.000 nhân viên, cộng tác viên và hàng chục công ty thành viên, văn phòng trên toàn quốc. Cen Group có một hệ sinh thái bất động sản đa dạng gồm đầu tư - phân phối - truyền thông & marketing - thẩm định giá.
Bên cạnh việc phát triển hệ sinh thái bất động sản, Cen Group còn mở rộng tham gia hoạt động đầu tư khởi nghiệp từ năm 2016 với nhiều lĩnh vực như golf, y tế, công nghệ bất động sản.
Theo tìm hiểu, Cen Invest được thành lập vào cuối năm 2012, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tính đến ngày 17/7/2018, công ty này có quy mô vốn 150 tỉ đồng, trong đó, bà Trần Thị Thanh Bình góp tới 117,5 tỉ đồng, sở hữu 78,33% vốn điều lệ. Hai cổ đông sáng lập còn lại là CTCP Tập đoàn Thế Kỷ (Cen Group) và ông Phạm Thanh Hưng (‘Shark’ Hưng), lần lượt sở hữu 10,67% và 3% vốn điều lệ.
Bà Trần Thị Thanh Bình (SN 1978), là vợ của ông Nguyễn Trung Vũ (SN 1971), Chủ tịch HĐQT Cen Invest.