Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Ngân hàng Vietinbank tiếp tục dẫn đầu nhóm phát hành trái phiếu tháng 9

Doanh nhân Việt Nam 09:02 15/10/2021

Theo thông tin từ VBMA, Ngân hàng Vietinbank được nhắc đến là một trong những ngân hàng đứng đầu về khối lượng phát hành trái phiếu (2.050 tỷ) .

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 9/2021, cả nước có tổng cộng 42 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 29,734 tỷ đồng. Toàn bộ được phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ.

Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trong tháng 9, với tổng giá trị phát hành 13.860 tỷ đồng, chiếm 47% tổng giá trị phát hành. Trong đó, có 6.210 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB.

Lãi suất phát hành các trái phiều tăng vốn cấp 2 chủ yếu là lãi suất thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm 4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), dao động từ 6,4% đến 7,9%/năm, cao hơn so với tháng 8 do các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn. Các ngân hàng có khối lượng phát hành lớn gồm: BIDV (3.240 tỷ), OCB (2.000 tỷ), VietinBank (2.050 tỷ).

Trước đó, Ngân hàng VietinBank công bố kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 7 năm 2021. VietinBank phát hành 1.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu, tương đương với tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng. Lãi suất của trái phiếu là lãi suất thả nổi áp dụng cho toàn bộ thời hạn trái phiếu và bằng công thức lãi suất tham chiếu +1%/năm.

Tại các đợt huy động trái phiếu 4, 5, 6 Vietinbank có sự thay đổi hơn về kỳ hạn trái phiếu của các đợt phát hành này lên tới 15 năm.

Cụ thể, trong đợt 4, ngân hàng phát hành 700 trái phiếu, với lãi suất cố định là 6,75%/năm. Trong đợt 5 và 6, ngân hàng dự kiến phát hành lần lượt 50 và 100 trái phiếu với lãi suất 6,7%/năm cố định đối với toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu.

Như vậy, chỉ trong tháng 7/2021, ngân hàng này đã công bố liên tiếp 4 đợt trái phiếu kỳ hạn 15 năm và 10 năm. Tổng mức huy động là 1.850 tỷ đồng.

Theo hội đồng quản trị của ngân hàng, việc phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện cho vay nền kinh tế, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2021.

Trái phiếu sẽ được bán trực tiếp cho nhà đầu tư. Tiền lãi được trả định kỳ 1 lần/năm vào ngày thanh toán lãi. Phương thức phát hành thông qua đại lý phát hành trái phiếu. Tiền lãi được trả định kỳ 1 lần/năm vào ngày thanh toán lãi.

Tại một diễn biến liên quan, theo Công ty Chứng khoán SSI thống kê, trong nửa đầu năm nay, 15 ngân hàng thương mại phát hành 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân chỉ 4,3%/năm. Trong đó, có đến 56,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 83% tổng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm 2021 là kỳ hạn 2-3 năm có lãi suất cố định từ 3-4,2%/năm, trả lãi hàng năm.

Trái phiếu ngân hàng có lãi suất phát hành khá sát với lãi suất tiền gửi, nên nhà đầu tư thông thường ít “mặn mà”, ít tìm đến trái phiếu ngân hàng, ngoại trừ các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi.

Khi đó, gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán. Hiểu đơn giản, các ngân hàng thương mại đang mua chéo trái phiếu của nhau. Việc này có thể xuất phát từ việc một số ngân hàng có hiện tượng thừa vốn do tình hình cho vay cũng không dễ dàng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên tìm đến các kênh đầu tư khác; trong đó có trái phiếu.

Giới chuyên gia dự báo nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 vẫn còn cao, nhất là trái phiếu tăng vốn đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung, dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn.

Về lãi suất trái phiếu ngân hàng, xu hướng tăng nhẹ vào những tháng cuối năm cũng được các chuyên gia dự báo. Theo chu kỳ hoạt động thông thường, đây là thời điểm các ngân hàng sẽ cạnh tranh lãi suất huy động, đảm bảo nguồn vốn phục vụ nhu cầu của nền kinh tế.

Lợi nhuận Vietinbank khiêm tốn

Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa dự báo về kết quả kinh doanh của một loạt doanh nghiệp niêm yết, các ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có ngân hàng Vietinbank.

Theo SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của VietinBank chỉ đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Nhờ lợi nhuận đột biến quý I/2021, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận VietinBank vẫn đạt13.900 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận quý III/2021 của VietinBank bị ảnh hưởng do thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng cao do nguy cơ nợ xấu mới phát sinh. SSI dự báo, lợi nhuận cả năm của VietinBank chỉ tăng 2,7% và chỉ có thể lấy lại phong độ tăng trưởng vào năm sau. Theo đó, năm nay, lợi nhuận của VietinBank có thể chỉ đạt 17.300 tỷ đồng và đạt 21.800 tỷ đồng vào năm tới.

Trước đó, tại BCTC quý II/2021 lãi trước thuế quý II/2021 của Vietinbank cũng giảm gần 40% so với dự kiến.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của ngân hàng chỉ ở mức 2.790 tỷ đồng, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này thấp hơn so với dự kiến trước đó, tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng, lãnh đạo ngân hàng cho biết ước tính lợi nhuận quý 2 khoảng 5.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận quý 2 sụt giảm khá mạnh như vậy chủ yếu do chi phí dự phòng tăng vọt.

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý II/2021 của VietinBank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39,5% đạt 10.878 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 23,1% đạt 1.357 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng tới 481% đạt 1.134 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh lại cho kết quả kém khả quan hơn, tuy nhiên nguồn thu từ 2 mảng này vốn chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu nhập ngân hàng.

Khoản chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý II giảm 38% so với cùng kỳ xuống 2.790 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VietinBank vẫn báo lãi trước thuế hợp nhất tăng 45% so với cùng kỳ lên 10.850 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần và lãi từ dịch vụ tăng lần lượt 33% và 22%, đi kèm theo lãi khác (thường từ thu hồi nợ) tăng mạnh 234% khiến thu nhập hoạt động của nhà băng tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động trong nửa đầu năm của Vietinbank tăng 17% lên gần 7.700 tỷ và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 28% lên 8.456 tỷ.

Tính đến hết quý II, dư nợ cho vay của nhà băng này tăng 6% lên 1,076 triệu tỷ, huy động khách hàng tăng 5% lên 1,039 triệu tỷ. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,96% hồi đầu năm lên 1,39%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của nhà băng vẫn xoay quanh mức 130%.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,47 triệu tỷ, tăng 9,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6% đạt trên 1,07 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 5% đạt 1,03 triệu tỷ đồng.

Nợ xấu ngân hàng tăng hơn 4.900 tỷ đồng lên 14.476 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương tăng tới 51,8%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% lên 1,34%.

Đôi nét về ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT VietinBank

Ngày 7/9/2021, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đã tổ chức Hội nghị công bố các quyết định, nghị quyết về công tác cán bộ.

Trên cơ sở phê duyệt của NHNN, HĐQT VietinBank đã bầu ông Trần Minh Bình - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VietinBank giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2020 - 2025 thay thế ông Lê Đức Thọ - Nguyên Ủy viên BTV Đảng ủy Khối, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT đã được bầu là Ủy viên BCH TW Đảng và được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre từ đầu tháng 7/2021.

Được biết, ông Trần Minh Bình sinh ngày 7/12/1974 tại Quảng Bình, có bằng Thạc sỹ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân - Đại học ULB (Bỉ); cử nhân, chuyên ngành Kế toán, Học viện Ngân hàng; trình độ lý luận chính trị cao cấp. Ông Bình có hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc trong hệ thống VietinBank, trong đó có 17 năm đảm nhận vị trí cán bộ quản lý nghiệp vụ trọng yếu từ trụ sở chính đến chi nhánh và 8 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao tại VietinBank.

Cụ thể, bắt đầu từ tháng 1/1999-7/2002, ông Trần Minh Bình làm nhân viên phòng Thanh toán quốc tế Vietinbank. Từ tháng 8/2002-4/2005, ông chuyển lên làm thư ký Văn phòng TGĐ VietinBank.

Từ tháng 5/2005 – 12/2008, ông làm Phó phòng dịch vụ thẻ VietinBank và được bổ nhiệm vị trí Giám đốc trung tâm thẻ từ 1/2008-7/2010.

Từ tháng 8/2010-12/2011, ông Bình sang làm Trưởng Phòng Đầu tư VietinBank, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cho thuê tài chính VietinBank.

Giai đoạn 2012-2013, ông làm Phó Giám đốc, giám đốc của một số chi nhánh lớn của VietinBank.

Năm 2014, ông Bình được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối kinh doanh vốn và thị trường kiêm Trưởng phòng Thị trường vốn. Đồng thời từ 12/2013-6/2016, ông kiêm giữ chức Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ VietinBank.

Giai đoạn 2013-2018, ông Trần Minh Bình trải qua các chức vụ cấp cao tại VietinBank chi nhánh Lào và ngân hàng liên doanh Indovina.

Đến tháng 10/2018, ông Bình được bầu tham gia HĐQT VietinBank, đồng thời làm Quyền Tổng giám đốc. Chỉ 2 tháng sau, ông chính thức được đảm nhiệm chức vụ CEO của ngân hàng lớn nhất nhì hệ thống này.

Dưới thời ông Bình làm CEO VietinBank, ngân hàng gặt hái được nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong năm 2020, lợi nhuận của ngân hàng đạt hơn 17.000 tỷ đồng, cao thứ 2 trong hệ thống, chỉ đứng sau Vietcombank. Chất lượng tài sản được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,94%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 132%. VietinBank cũng đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo dự kiến.

Năm 2021, nhà băng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 6-10%; dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, tăng trưởng tối đa 7,5%. Nguồn huy động vốn tăng trưởng 8-12%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.VietinBank cũng cho biết, NHNN giao mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2021 của ngân hàng là 16.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sẽ được điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chính thức đi vào hoạt động vào ngày 26/3/1988 sau khi tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm hoạt động và phát triển, VietinBank nhanh chóng trở thành ngân hàng Thương mại được nhiều người tin tưởng lựa chọn.

Hiện nay, mạng lưới ngân hàng VietinBank phủ sóng toàn quốc với 1 sở giao dịch chính, 1000 nghìn chi nhánh, văn phòng giao dịch.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/ngan-hang-vietinbank-tiep-tuc-dan-dau-nhom-phat-hanh-trai-phieu-thang-9.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Vietinbank tiếp tục dẫn đầu nhóm phát hành trái phiếu tháng 9 tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân