Như đã đề cập trong bài viết trước, dù được giao quy hoạch dự án Khu trung tâm mới đô thị Đô Lương (tên cũ Khu đô thị Nam thị trấn Đô Lương) quy mô 270ha, nhưng khá bất ngờ khi CTCP Đầu tư và Thương mại Hùng Sơn và Công ty TNHH Consid đều có tình hình tài chính không mấy khả quan.
Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn, vì sao Nghệ An lại lựa chọn các doanh nghiệp này để lập quy hoạch cho một dự án quan trọng và quy mô rất lớn như vậy.
Để trả lời câu hỏi trên, trước nhất cần làm rõ mối liên hệ giữa Hùng Sơn và Consid, cũng như những chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Hùng Sơn thành lập vào ngày 15/9/2014, đóng trụ sở tại Lô C1+C2, khu đô thị Minh Khang, đường Đại lộ Lê Nin, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở.
Cổ đông sáng lập công ty là Trần Thị Hoàng Mai (45%), Nguyễn Tiến Trình (30%) và Vũ Thanh Tuyền (25%).
Với Consid, pháp nhân này được thành lập vào ngày 13/3/2012. Sau 7 năm hoạt động, vốn góp chủ sở hữu công ty tính đến ngày 31/12/2019 chỉ ở mức 500 triệu đồng, ông Nguyễn Hoành (SN 1979) là cổ đông lớn nhất, nắm 80% vốn.
Việc chuyển đổi doanh nghiệp thực hiện lập quy hoạch siêu dự án tại Đô Lương từ Hùng Sơn sang Consid tháng 9/2020 không loại trừ khả năng chỉ là động thái mang tính "kĩ thuật", bởi hai doanh nghiệp này có mối quan hệ làm ăn khá thân thiết từ trước.
Mối quan hệ này thể hiện rõ nhất qua việc Hùng Sơn và Consid tháng 7/2020 cùng góp vốn thành lập CTCP Entiz. Tổng giám đốc Entiz - ông Trần Ngọc Anh chính là chồng bà Trần Thị Hoàng Mai. Hay ở một thương vụ kín tiếng khác, Consid là đơn vị thiết kế công trình cho Phòng khám An Phước (Nam Đàn, Nghệ An) - một nhánh kinh doanh khác của nhóm bà Hoàng Mai.
Ở diễn biến đáng chú ý, tháng 6/2020, hai cổ đông Nguyễn Tiến Trình và Vũ Thanh Tuyền đã đồng loạt thoái vốn khỏi Hùng Sơn. Trong khi bà Trần Thị Hoàng Mai vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 45%, đồng thời đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Dù vậy, nữ doanh nhân sinh năm 1979 có phải là chủ sở hữu thực sự của Hùng Sơn? Câu trả lời có chăng chỉ những người trong cuộc mới tường minh. Biết rằng bà Trần Thị Hoàng Mai đã công tác tại Đại học Vinh từ đầu những năm 2000 với vai trò giảng viên, hiện bà có học vị Tiến sĩ quản trị kinh doanh, giảng viên chính tại khoa Kinh tế, Đại học Vinh.
Nên biết, bà Hoàng Mai và nữ nhà đầu tư Hà Thị Hiền còn góp vốn thành lập CTCP Dịch vụ Y tế An Phước. Bà Hiền, sinh năm 1980, hiện cũng đang công tác tại CTCP Đầu tư và Thương mại Hùng Sơn.
Bà Hiền trước đó là cổ đông nắm 5% cổ phần, đồng thời là Chánh văn phòng CTCP Synot Nghệ An - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, máy móc thiệt bị cho casino, trung tâm vui chơi có thưởng đóng trụ sở ở Nghệ An.