Theo truyền thông trong nước, CTCP Tập đoàn Apec Group (Apec Group) mới đây đã thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với tên gọi “Happy18 Bond”.
Lô trái phiếu sẽ chính thức được phát hành vào tháng 9/2020. Theo đó, mỗi trái phiếu chỉ có mệnh giá 100.000 đồng, sau thời gian nắm giữ tối thiểu 3 tháng, nhà đầu tư có thể bán lại trái phiếu cho đơn vị phát hành.
Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản không hẳn là điểm nhấn duy nhất khiến lô trái phiếu Happy18 Bond được giới đầu tư chú ý đến vậy.
Nếu lựa chọn kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, mức lãi suất mà nhà đầu tư nhận được sẽ là 15%/năm. Trong khi đó, nếu nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ, mức lãi suất nhà đầu tư được hưởng sẽ lên tới 18%/năm.
So với mặt bằng chung của thị trường, dù lựa chọn theo phương án nào thì Happy18 Bond vẫn là lô trái phiếu có mức lãi suất cao bậc nhất trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường hiện nay.
Một doanh nghiệp có mối liên hệ gần gũi với Apec Group là CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment – Mã CK: IDJ) gần đây cũng chỉ phát hành trái phiếu với mức lãi suất 13%/năm.
Màn “chào sân” của Apec Group, vì vậy, đã thu hút được sự quan tâm lớn của giới đầu tư và truyền thông trong nước.
Apec Group của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Apec Group chỉ mới được thành lập từ cuối tháng 11/2017, tiền thân là CTCP Đầu tư BG Group (BG Group), hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
BG Group chính là cổ đông lớn của IDJ Investment với tỷ lệ sở hữu 5,09% vốn điều lệ. Dẫu vậy, trên các báo cáo tài chính của IDJ Investment cập nhật tới Quý 2/2020 cái tên Apec Group vẫn chưa được ghi nhận. Điều ấy có thể là do doanh nghiệp này chỉ mới hoàn tất việc đổi tên vào ngày 7/8/2020 vừa qua.
Khi mới thành lập, BG Group đăng ký quy mô vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm 3 cá nhân có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, bao gồm: ông Nguyễn Hoàng Linh (sở hữu 65% VĐL), ông Phạm Duy Hưng (sở hữu 34,99% VĐL) và ông Lục Thanh Tùng (sở hữu 0,01% VĐL).
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cập nhật tới tháng 12/2018, BG Group đã nâng vốn lên gấp đôi, đạt mức 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Tới cuối tháng 6/2020, ông Nguyễn Hoàng Linh (SN 1919) bất ngờ nhường vị trí Chủ tịch HĐQT BG Group cho ông Hán Kông Khanh (SN 1975). Sau đó, như đã đề cập, BG Group đổi tên thành Apec Group.
Dòng tiền API – IDJ Investment – Apec Group
Ngoài Apec Group, ông Hán Kông Khanh còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT IDJ Investment. Đáng chú ý, ông Khanh còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (Mã CK: API), nơi ông Nguyễn Hoàng Linh đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc.
Theo tìm hiểu của VietTimes, API từng là cổ đông lớn, nắm giữ tới 20,01% vốn điều lệ của IDJ Investment, song đã bắt đầu thoái vốn kể từ năm 2018. Trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng bán ra toàn bộ cổ phiếu IDJ (hoàn tất vào ngày 28/4/2020). Song, ông Linh hiện vẫn đang là Ủy viên HĐQT của IDJ Investment.
Tính thực chất của thương vụ API thoái vốn khỏi IDJ Investment cũng là một điều đáng bàn. Không chỉ bởi vai trò của ông Nguyễn Hoàng Linh tại Apec Group mà còn những chi tiết khá thú vị liên quan đến một cổ đông lớn khác mới xuất hiện tại IDJ Investment – CTCP Đầu tư Apec Holding (Apec Holding).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Apec Holding được thành lập từ tháng 10/2014, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà Machinco building, số 444 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Apec Holding do ông Nguyễn Tiến Lộc đảm nhiệm.
Vị doanh nhân kỳ cựu sinh năm 1939, đáng chú ý, lại có cùng địa chỉ thường trú với ông Nguyễn Hoàng Linh – cổ đông sáng lập của Apec Group.
Ngoài mối quan hệ sở hữu, API – IDJ Investment – Apec Group – Apec Holding còn có mối quan hệ tín dụng khá đặc biệt. Trong đó, API đóng vai trò là chủ nợ của 3 cái tên còn lại.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2020 mà API tự lập, doanh nghiệp này hiện đang cho Apec Holding, IDJ Investment và Apec Group vay tổng cộng 102,15 tỷ đồng với cùng mức lãi suất 12% năm.
Bên cạnh đó, API còn cho CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS) vay 678,5 triệu đồng với lãi suất 0%/năm. APS hiện đã nắm giữ 1,53% vốn của IDJ Investment.
Đáng chú ý, với những thông tin đã công bố, API còn là doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu có thể nói là “rẻ” nhất so với IDJ Investment và Apec Group.
Tháng 5/2019, HĐQT API đã thông qua phương án phát hành 2 lô trái phiếu mã ABond_2019.01.10 và ABond_2019.12.20 với lãi suất cố định lần lượt ở mức 9,5% và 11%/năm.
Ở chiều hướng ngược lại, API liên tục mua lại lô trái phiếu mã Abond_2018.01.50 phát hành ngày 25/1/2018 và sẽ đến ngày đáo hạn vào 24/1/2021./.