Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chỉ riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) liên tiếp trúng gần 20 gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh, thành với giá trị từ vài tỉ đến vài trăm tỉ. Đáng chú ý, rất nhiều gói thầu đơn vị này trúng bằng giá gói thầu hoặc chênh lệch rất ít.
Tham gia đâu trúng thầu đấy
Ông Phạm Đức Tuấn - chủ tịch HĐQT, giám đốc và bà Ngô Thị Thu Huyền - phó giám đốc Công ty BMS - vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người này đã có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS còn liên doanh liên kết đặt thiết bị tại nhiều bệnh viện khác. Cùng với đó, công ty này cũng liên tiếp trúng thầu nhiều gói thiết bị y tế khác. Gần nhất, ngày 21-8 BMS trúng gói thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái với giá gần 1 tỉ đồng.
Trước đó một ngày (20-8) tại Hà Nội, BMS trúng "Gói thầu cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật các chuyên khoa năm 2020" của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với giá 1,9 tỉ đồng. Ngày 19-8, BMS cũng trúng một gói thầu của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh với giá 3,23 tỉ đồng (thấp hơn giá gói thầu 10 triệu đồng).
Chỉ riêng trong ngày 23-4, BMS trúng 3 gói thầu thuộc mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19 của Sở Y tế Hải Phòng. Các gói thầu này có giá từ hơn 3 tỉ đến hơn 8 tỉ đồng.
Đáng chú ý, BMS gần như tham gia đâu trúng thầu đấy. Từ tháng 11-2015 đến nay, công ty tham gia 58 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại nhiều tỉnh thành, trong đó đã trúng 57 gói, trượt 0 gói và 1 gói hiện chưa có kết quả.
Trúng bằng giá thầu
Tại Hải Phòng, các gói thầu liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, BMS trúng thầu thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn trong nước. Đáng chú ý, BMS đều trúng các gói thầu này với giá bằng giá gói thầu.
Tại Nghệ An, liên danh Công ty TNHH Việt Quang - Công ty TNHH AT và T - CTCP Asiatech Việt Nam - BMS trúng gói thầu 45,035 tỉ đồng, trong khi đó giá gói thầu là 45,125 tỉ đồng.
Tương tự, với những gói thầu giá trị cả trăm tỉ mà BMS tham gia thì giá trúng thầu và giá gói thầu cũng không chênh lệch nhiều. Cụ thể, trong năm 2019 liên danh BMS - Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh trúng gói thầu của Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin tư vấn tài chính với giá hơn 252,87 tỉ, trong khi đó giá gói thầu là 252,98 tỉ.
Ông Phạm Đức Tuấn là giám đốc, đại diện pháp luật của cả Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS và Công ty cổ phần đầu tư Tuấn Ngọc Minh. Khi tham gia đấu thầu, ông Tuấn thường đổi vị trí công ty này là liên danh chính thì công ty kia là liên danh phụ và ngược lại.
Bệnh viện không lợi, người dân thiệt hại
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-9, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết bộ luôn ủng hộ việc phát triển kỹ thuật mới, tiên tiến, tạo hiệu quả trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên việc đầu tư, ăn chia, xác định giá thành, chi phí khấu hao... là trách nhiệm của bệnh viện và công ty đầu tư thiết bị.
Theo quy định hiện hành (thông tư 15/2007) hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh liên kết hoặc góp vốn mua sắm trang thiết bị tại cơ sở khám chữa bệnh công lập, với các thiết bị mới 100%, việc xác định giá sẽ dựa vào kết quả đấu thầu thiết bị cùng loại của đơn vị công lập khác đã mua không quá 6 tháng, thông báo thẩm định giá của đơn vị có chức năng.
Với các thiết bị chưa có kết quả đấu thầu mua sắm lần nào (như trường hợp 2 robot đang bị cho là nâng giá quá cao ở Bệnh viện Bạch Mai), thông tư 15 cho phép căn cứ vào hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hàng hóa nhập khẩu...
Thông tư này ban hành và thực hiện từ năm 2007, thời điểm đó hoạt động liên kết công - tư tại bệnh viện công mới manh nha, chưa nở rộ như hiện nay, chưa kể số lượng đơn vị y tế thực hiện tự chủ tài chính gia tăng rất nhanh. Vì thế, những quy định đã có trở nên "vênh" với tình hình thực tế.
Một lãnh đạo bệnh viện phụ trách về tài chính chia sẻ nhiều điểm trong thông tư này quy định không rõ, chung chung, đến năm 2012 khi có nghị định về quản lý tài sản nhà nước, các hướng dẫn mới rõ hơn và bệnh viện thực hiện cũng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên do quy định đã "vênh" nên có những điểm "hở", dẫn đến tình trạng thực hiện theo quy định (Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS) nhưng thiết bị vẫn bị nâng giá khống 2-4 lần.
Hiện có nhiều hình thức liên kết tại bệnh viện công, có đơn vị chọn các nhà đầu tư đặt máy và chia lợi nhuận, tỉ lệ chia trước đây là 7 (công ty đặt máy) và 3 (bệnh viện), sau này là 6-4 hoặc 5-5.
Khảo sát lại hồ sơ liên kết gần đây tại nhiều bệnh viện công cho thấy tỉ lệ lợi nhuận được chia từ các thiết bị xã hội hóa đã cân bằng hơn, phần lớn là chia 5-5, nhưng do giá thiết bị đã được nâng lên, chi phí khấu hao tăng theo, người bệnh phải trả phí rất cao mà bệnh viện không được lợi (có bệnh viện chỉ được chia 50.000 đồng/lần chụp cộng hưởng từ). Vì vậy, bệnh nhân thiệt, bệnh viện cũng không lợi. Có lợi ở đây chỉ là nhà đầu tư và không loại trừ cả những người được phép ra quyết định.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 4-9, thiếu tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết với vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Bệnh viện Bạch Mai, điều tra bước đầu cho thấy các đối tượng nâng khống máy móc từ 7,4 tỉ đồng (gồm VAT) lên 39 tỉ đồng. Việc này khiến người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh khoảng 10 tỉ đồng