Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Rút khỏi dự án Splendora giúp Vinaconex rộng cửa huy động vốn

THE LEADER 10:00 31/08/2020

Trong vài phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex đã chạy một mạch từ 24.000 đồng lên 36.300 đồng với thành khoản tăng vọt.

Vinaconex mới đây đã bán toàn bộ 50% cổ phần tại công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) cho nhà đầu tư trong nước, kết thúc 15 năm tham gia phát triển dự án Spledora ở phía Tây Hà Nội.

Song song với hoạt động thoái vốn của Vinaconex khỏi An Khánh JVC, nhóm cổ đông lớn liên quan đến Công ty Địa ốc Phú Long cũng rút khỏi Vinaconex. Các giao dịch này được cho là kết quả các cuộc đàm phán nhằm giúp Công ty An Quý Hưng kiểm soát hoàn toàn Vinaconex, đổi lại An Khánh JVC về tay Địa ốc Phú Long.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực với các thông tin này. Chỉ trong vài phiên trở lại đây, thanh khoản cổ phiếu VCG của Vinaconex tăng vọt và giá cổ phiếu VCG tăng một mạch từ 24.000 đồng lên 36.300 đồng.

Thoái vốn khỏi An Khánh JVC giúp Vinaconex gạt bỏ gánh nặng tài chính lớn. Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, An Khánh JVC đã lỗ 5 năm liên tiếp. Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty này có lỗ lũy kế 1.641 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 960 tỷ, so với vốn điều lệ 680 tỷ.

Khoản đầu tư 340 tỷ đồng giá vốn vào An Khánh JVC của Vinaconex, theo đó cũng được hạch toán về 0 đồng. Sau khi bán cổ phần tại công ty này, có thể Vinaconex sẽ được hoàn nhập dự phòng một phần.

Giá cổ phiếu tăng 50% cũng giúp Vinaconex sáng cửa huy động vốn hơn nhờ giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu được định giá cao hơn.

Năm ngoái, khi mới thâu tóm thành công Vinaconex, nhóm cổ đông An Quý Hưng, bao gồm Công ty TNHH An Quý Hưng và Công ty con Công ty TNHH An Quý Hưng Land đã từng có kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, với tài sản thế chấp là cổ phần Vinaconex.

Cụ thể, Công ty An Quý Hưng chào bán 2.600 tỷ đồng và An Quý Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng trái phiếu. Các trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm và được trả lãi 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên.

Tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành này là 255 triệu cổ phiếu Vinaconex, tương đương toàn bộ 58% cổ phần Vinaconex mà An Quý Hưng và An Quý Hưng Land nắm giữ sau khi thâu tóm Vinaconex.

Tính theo giá thị trường khi đó khoảng 27.000 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản đảm bảo trị giá gần 7.000 tỷ đồng, cao hơn 32% so với quy mô vốn mà hai công ty dự kiến huy động.

Mặc dù lãi suất cao và tài sản bảo đảm giá trị lớn, các trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land không thu hút được nhà đầu tư nào quan tâm đặt mua trong đợt này.

Bản thân Vinaconex trong năm 2019 cũng có kế hoạch huy động 3.000 – 5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cũ và mới và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua hình thức vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, song không thực hiện được.

Trong bối cảnh mới, khi Vinaconex đã hoàn toàn quy về một mối, kế hoạch sử dụng cổ phần Vinaconex làm tài sản đảm bảo vay vốn trở nên dễ dàng hơn và có lợi hơn sau khi giá thị trường tâng cao.

Từ khi trở thành công ty tư nhân, Vinaconex chuyển mình từ công ty xây lắp thành công ty bất động sản, áp lực dòng tiền cũng tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 1.493 tỷ vào năm 2019.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cho biết sở dĩ dòng tiền âm là do những năm gần đây, Vinaconex tiến hành nhiều hoạt động đầu tư và cần có thời gian để hoàn vốn và thu lợi nhuận.

Hiện tại, ngoài việc đang triển khai các dự án bất động sản ở Hà Nội, Vinaconex đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất, làm chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, TPHCM..)

Hiện nay, Vinaconex đang có suất tham gia 5 gói thầu BOT tại các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án phát triển sân bay, Vinaconex cũng mong muốn tham dự.

Tại Đại hội cổ đông 2020, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành 66,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/ cổ phần và dự kiến số tiền thu về là 994 tỷ đồng.

Số tiền này sẽ được dùng để triển khai dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên), làm vốn đối ứng cho công ty tham gia vào các dự án BOT...

Ban lãnh đạo Vinaconex cũng chia sẻ, sau khi tái cấu trúc vốn tại An Khánh JVC thành công, công ty sẽ dồn lực vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở các khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây (Hà Nội).

Bạn đang đọc bài viết Rút khỏi dự án Splendora giúp Vinaconex rộng cửa huy động vốn tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân