Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh thông qua hiệp định UKVFTA

Doanh nhân Việt Nam 14:23 06/05/2021

Lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định Thương mại Việt Nam - Anh (UKVFTA) chắc chắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất và gia tăng

Có hiệu lực và được áp dụng tạm thời ngay từ ngày 1/1/2021, Hiệp định UKVFTA đã có hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021, hứa hẹn sẽ là động lực mới cất cánh quan hệ tốt đẹp về thương mại và đầu tư Việt Nam và Vương quốc Anh.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) và bảo đảm cân bằng lợi ích của cả hai bên.

Hiệp định gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 1 Nghị định thư và 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Anh.

Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế.

Với nền tảng là kế thừa Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Anh, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ đối tác chiến lược.

Hiệp định UKVFTA có một số điểm mới như về thương mại hàng hóa, ngoài việc hai bên tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, UK vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA; trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản.

Cùng với đó, về thương mại dịch vụ, đầu tư và mua sắm của Chính phủ, hai bên cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của một hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước.

Về quy tắc xuất xứ, hai bên thống nhất áp dụng cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước thành viên EU. Điều này giúp các doanh nghiệp Anh duy trì được chuỗi sản xuất và cung ứng hiện tại.

Riêng với Việt Nam, do việc thực thi cơ chế cộng gộp mở rộng còn khá mới mẻ nên hai bên cũng đã nhất trí tiến hành rà soát cơ chế này vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; các cơ chế thực thi hiệp định mang tính đặc thù giữa Việt Nam và EU cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.

Ý nghĩa với Việt Nam

Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, thị trường lớn thứ hai tại châu Âu với gần 70 triệu người tiêu dùng (chưa kể khách du lịch), có GDP bình quân đầu người gần 44.000 USD (số liệu năm 2019).

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, thương mại song phương đã không ngừng mở rộng. Trong ba năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD hàng hóa sang Anh, trong khi nhập khẩu 1 tỷ USD hàng hóa từ Anh.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1% tổng trị giá hàng nhập khẩu hàng năm gần 700 tỷ USD. Lợi thế cạnh tranh nhờ UKVFTA chắc chắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất và gia tăng xuất khẩu sang Anh và các sản phẩm Việt Nam đã có vị trí tại thị trường Anh chắc chắn sẽ mở rộng thị phần trong thời gian tới.

Hàng dệt may là một sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, những sản phẩm may mặc, đồ thể thao, đồ gỗ, máy tính, điện thoại di động, trà, cà phê, hồ tiêu, tôm nuôi, gạo đặc sản, các loại quả nhiệt đới (chuối, bưởi, xoài, thanh long), thép xây dựng sẽ có khả năng cạnh tranh tốt tại thị trường Anh. Những sản phẩm này là thế mạnh rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam mà nhu cầu của thị trường Anh rất lớn. Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành thiết kế phần mềm và vận tải hàng không của Việt Nam có khả năng cạnh tranh.

Một số đối thủ cạnh tranh các mặt hàng của Việt Nam tại Anh gồm Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Hàn Quốc, và rất nhiều quốc gia khác có thể mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng.

Hiệp định UKVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác vì trong những năm sắp tới ông Nguyễn Cảnh Cường đánh giá chưa nhìn thấy các nước đối thủ cạnh tranh nói trên sớm có hiệp định thương mại tự do với nước Anh, ít nhất là trong khoảng thời gian đó các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam là có lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Anh còn cam kết bổ sung về lượng TRQ (hạn ngạch thuế quan) đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi...

Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi Anh là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi về hạn ngạch thuế quan như gạo, tinh bột sắn, thủy sản. Khi UKVFTA có hiệu lực, một khối lượng gạo khá lớn của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% khi nhập vào Anh (trước đây phải chịu thuế 17,5%).

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/co-hoi-gia-tang-xuat-khau-sang-anh-cua-doanh-nghiep-viet--31898.html

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh thông qua hiệp định UKVFTA tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân