Hà Nội, Thứ Tư Ngày 11/12/2024

Kinh tế 4.0 - năng suất lao động Việt nam tăng chóng mặt

VietQ 16:39 29/04/2021

Nghiên cứu từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, kinh tế số đóng góp rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Đây cũng là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện năng năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ. NSLĐ năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019, và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động).

Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Trong đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

Mặc dù có mức tăng trưởng NSLĐ cao, nhưng Việt Nam vẫn chưa theo kịp để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, theo ước tính của ILO, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, NSLĐ Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Còn theo Báo cáo Năng suất Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) và Viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng thật sự nhanh về năng suất-yếu tố quan trọng của một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng có thể học tập về năng suất từ các quốc gia khác.

Kinh tế số sẽ là động lực mới nhằm nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Ảnh minh họa

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết: JICA đã hỗ trợ Singapore về kinh nghiệm tăng năng suất trong giai đoạn từ 1983-1990 theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ Singapore. Kết quả đến nay năng suất lao động của Singapore đứng hàng đầu khu vực, thậm chí bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác.

“Giai đoạn đầu Nhật Bản đã phải hỗ trợ người lao động Singapore "cài đặt” lại nhận thức của mình, đòi hỏi cam kết chặt chẽ từ 2 phía thực hiện cải thiện năng suất lao động từ người lái xe taxi chở đi”, ông Shimizu Akira nói.

Ngoài ra, Nhật Bản đã có bề dày liên kết trường dạy nghề và DN, quản lý quy trình đào tạo, hỗ trợ việc làm theo mô hình Kosen. Đây là hệ thống giáo dục đại học về kỹ thuật và dạy nghề của Nhật Bản, cung cấp chương trình 5 năm cho các học viên có lứa tuổi còn trẻ từ 15-19 tuổi, có tới 50.000 Kosen được triển khai ở Nhật Bản. Tại các Kosen ngoài được đào tạo kiến thức, kỹ năng kỹ thuật các học viên còn được rèn luyện về tư duy và thái độ phù hợp, khả năng sáng tạo giải quyết vấn đề, hỗ trợ tìm việc làm…

Hiện JICA đang có các dự án thí điểm tại Đại học Công nghiệp TPHCM, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM), Cao đẳng Công nghiệp Huế; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Lạc Hồng, Cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai đã có sự liên kết với các nhà cung cấp, DN Nhật Bản.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong nền kinh tế cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động. Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã đưa ra một kết quả nghiên cứu quan trọng cho cả giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Theo đó, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ.

Liên quan tới vấn đề trên, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đối với nền kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1322 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển từ Chương trình giai đoạn đến năm 2020, bổ sung, cập nhật các nội dung mới phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm 06 nhóm giải pháp.

Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề xuất các giải pháp thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông về năng suất chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ; Tăng cường hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng, chú trọng khai thác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á.

Bên cạnh các hoạt động tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý công cụ cải tiến năng suất chất lượng với các phương thức mới đa dạng hơn thì chương trình mới theo Quyết định 1322 sẽ phát triển, bổ sung một số nội hàm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với những yêu cầu mới trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế và hội nhập xu thế cuộc CMCN 4.0. Chương trình mới sẽ tập trung thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Link gốc : http://vietq.vn/kinh-te-so-la-dong-luc-de-cai-thien-nhanh-chong-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-d186318.html

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế 4.0 - năng suất lao động Việt nam tăng chóng mặt tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân