Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Doanh nghiệp Bất động sản: Phải thay đổi để tồn tại

TDVN 11:01 21/08/2021

Dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức, khó khăn, nhưng cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản tìm ra hướng đi mới phù hợp.

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường bất động sản (BĐS) trong suốt 2 năm qua. Trong đó, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng và thị trường BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều khách sạn phải rao bán, giao dịch tại các dự án nghỉ dưỡng gần như "đóng băng", nhiều mặt bằng nhà phố bị khách thuê trả lại...

Nhận định về những thách thức mà doanh nghiệp BĐS đã phải đối mặt trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát đến nay đã là lần thứ 4, diễn biến phức tạp càng khiến những khó khăn thêm trầm trọng, chồng chất.

Đáng lo ngại là không ai biết được đến khi nào dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi, trạng thái bình thường khi nào được thiết lập trở lại. Tâm lý này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho biết: “Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội, các chủ đầu tư có các dự án BĐS lớn cũng như các DN môi giới BĐS buộc phải tìm mọi cách xoay xở, nếu không sẽ khó trụ được, thậm chí phá sản”.

Dù được đánh giá là còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường BĐS cuối năm 2021 vẫn có những cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt.

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội...

Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình BĐS mới nhằm cạnh tranh hơn như: second home, farmhouse, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn. Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được người mua quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao.

Theo Báo TN&MT, anh Vĩnh, nhân viên môi giới BĐS ở TP.HCM cho biết, để tồn tại trong mùa dịch, các môi giới BĐS đã học hỏi cách thức của những người bán hàng online, tận dụng các nền tảng công nghệ như: Livestream, YouTube, TikTok, Zalo, Facebook… để tiếp cận khách hàng, tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh không bị ngắt quãng, thậm chí có người đã bán được căn hộ, đất nền… qua các kênh online này.

Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành cả nước tạo tâm lý lo ngại thị trường BĐS sẽ trầm lắng trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn có dấu hiệu phục hồi tích cực. Thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.

Các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh nhưng cũng đan xen những cơ hội. Thị trường vẫn là cuộc đua đường dài, thử sức các doanh nghiệp địa ốc.

Có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp BĐS không thể chỉ áp dụng biện pháp giảm giá mà cần có định hướng chiến lược phù hợp với thị trường, nhu cầu của khách hàng và chu kỳ kinh tế để tồn tại và phát triển giữa bối cảnh hiện nay.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-phai-thay-doi-de-ton-tai-58542.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Bất động sản: Phải thay đổi để tồn tại tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân