Hành khách đã bắt đầu quay trở lại chọn hàng không làm phương tiện đi lại sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. (Ảnh sưu tầm) |
Ngoài việc tận dụng tối đa để phát triển thị trường hàng không nội địa sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19 và ngóng chờ mở lại đường bay quốc tế, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và hãng hàng không cho rằng: ngành hàng không, các địa phương cần kết hợp với nhau để tạo cú hích phát triển, giúp ngành hàng không từng bước phục hồi.
Khi nào nhộn nhịp trở lại?
Tại buổi Tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" vào chiều ngày 30/5, theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi dần sau dịch bệnh COVID-19 khi hiện nay có đường bay đạt 80% so với cao điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tổng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có khách quốc tế (năm 2019 phần lớn dung lượng thị trường trên dưới 50% khách nội địa).
Khẳng định ngành hàng không Việt và các hãng đang trăn trở để tìm giải pháp, sáng kiến để sớm có những đường bay vận chuyển hành khách bình thường như trước khi có dịch COVID-19, tuy nhiên ông Cường thừa nhận chỉ khi nào những “rào cản” nhập cảnh và yêu cầu cách ly dỡ bỏ, hàng không mới nhộn nhịp trở lại.
Dẫn chứng, từ ngày 28/4, Cục Hàng không đã cho phép nâng dần tần suất khai thác, mở trở lại các đường bay và tại các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay Phù Cát, hoạt động đi lại rất đông. Từ đó, ông Cường đưa ra quan điểm nhận đính đó là câu trả lời thực tiễn rằng hàng không không 'chết yểu' vì dịch bệnh và sẵn sàng đối phó với khó khăn.
“Ngành hàng không xác định khó khăn và tranh thủ phát triển bền vững đồng thời sẵn sàng đón làn sóng mở cửa du lịch hành khách quốc tế. Kịch bản sẽ là tạo dựng khu vực đi lại an toàn. Cục Hàng không và các hãng bay đã nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội mở lại đường bay chở khách như trước dịch COVID-19,” ông Cường nhấn mạnh.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng Chính phủ và các Bộ ban ngành đã vào cuộc và có những tháo gỡ quyết liệt trước những khó khăn của ngành hàng không cũng như các hãng bay. Tần suất các chuyến bay như Bamboo Airways mở lại đã lên tới 90% tại các sân bay, giờ chỉ phụ thuộc nhu cầu đi lại sẽ gia tăng các chuyến bay.
“Trước đây, Bamboo Airways khai thác 150 chuyến bay/ngày, hiện mới đạt 50% trước dịch COVID-19. Nếu nhu cầu đi lại trở lại bình thường, tháng Sáu hay chậm nhất tháng Bảy tới, hãng sẽ có số chuyến bay bằng so với trước thời điểm dịch bệnh,” ông Quyết đánh giá.
Cho rằng sự trỗi dậy của hàng không là tự nhiên, theo ông Cường, khi không còn lo sợ dịch bệnh, công ăn việc làm và thu nhập phục hồi, Cục Hàng không dự báo thời điểm kỳ vọng thị trường hàng không quay trở lại giống như năm 2019 chắc cũng phải 2-3 năm trong trường hợp toàn cầu sớm khống chế dịch bệnh.
Hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế?
Thừa nhận ngành không chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch ví von: “Các hãng hàng không hiện nay còn trụ được mà không chết yểu cho tới bây giờ là rất giỏi. Tình cảnh của ngành hàng không sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một ‘cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc’. Việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu chấm hỏi nên ‘cơn mưa’ đầu tiên chính là thúc đẩy thị trường hàng không nội địa.”
Các hãng hàng không đều đã tăng tần suất bay nội địa và chờ mở đường bay quốc tế để khôi phục lại hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. (Ảnh sưu tầm) |
Theo ông Lịch, ngành hàng không, các địa phương cần kết hợp với nhau để tạo cú hích phát triển, giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ thị trường du lịch nội địa đã khai thác ở mức độ nào đó. Khi giảm giá hàng không, du lịch sẽ kích cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên giảm giá vô hạn.
“Gần đây, ngành hàng không có hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh chưa lành mạnh, đấu tranh sống còn với nhau và điều này chỉ hợp với các ngành kinh doanh hàng hóa. Hàng không cần đầu tư lớn nên không thể cạnh tranh như vậy vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tài sản quốc gia. Chính phủ cần có sự kiểm soát tạo sự công bằng và cùng nhau phát triển giữa các hãng,” ông Nghĩa đưa ra ý kiến.
Gợi mở về thị trường quốc tế sau khi kiểm soát tốt dịch, ông Nghĩa cho rằng, nước ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế. Ngành hàng không cần tập trung trọng điểm vào khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á nhờ kiểm soát tốt dịch và cũng là thị phần rộng lớn của các hãng bay Việt.
Ông Trịnh Văn Quyết nhận định ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nếu đi ra sân bay vắng bóng người, sức khỏe của nền kinh tế cũng như chống dịch của nước ta chưa thành công. Tuy nhiên, hai tuần nay, lối ra vào của khu vực nội địa sân bay phải dùng còi để chỉ đạo các phương tiện, sảnh sân bay cũng tấp nập.
Bà Vũ Tiến Lộc, Phó giám đốc Saigon Tourist cho biết việc các hãng hàng không tung ra nhiều ưu đãi về vé máy bay cũng như kết hợp với nhiều ưu đãi về nghỉ dưỡng, tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành.
“Với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều và đem tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch giá cả hợp túi tiền,” bà Lộc nói.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đồng tình khi cho rằng để "lò xo" nền kinh tế trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không mà tất cả các bộ ngành đều phải phối hợp, chung tay tạo ra sự lan tỏa để bật dậy cả nền kinh tế./.
Theo Vietnamplus