Theo bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong các thành phần kinh tế, Chính phủ cần ban hành những đường lối, chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế khác (như khối doanh nghiệp nhà nước, khối FDI) không nhận được những ưu đãi nhiều hơn so với khối kinh tế tư nhân. Thậm chí trong những bối cảnh nhất định, Chính phủ có thể có những biện pháp bảo hộ cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực được xác định xây dựng thành trọng điểm kinh tế, tạo ra những ngành kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh được với quốc tế trở thành thế mạnh của quốc gia.
Kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng |
Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chủ trương, từng bước thử nghiệm cho phép tư nhân tham gia vào những lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn giữ độc quyền.
Hiện những thủ tục hành chính vẫn còn những bất cập gây khó khăn và lãng phí thời gian cũng như nguồn lực của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, Chính phủ có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào các quy trình hành chính, nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc cơ học giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý hành chính. Thủ tục hành chính tinh gọn và chính xác sẽ giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội, gia tăng hiệu quả kinh doanh, giúp minh bạch hóa và trong sạch hóa nền hành chính công.
Còn theo ông Nguyễn Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VEFAC HTS Group, để hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, cần tăng cường tính minh bạch trong hành chính công, cải cách tiền lương, và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn nhũng nhiễu, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, áp dụng triệt để nguyên tắc phân biệt rạch ròi về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về nội dung giữa các cơ quan nhà nước, tránh việc các cơ quan hành chính yêu cầu thêm các thành phần hồ sơ, nội dung kiểm tra thực tế vượt quá yêu cầu của văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính đó.
Các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, tăng cường công khai, minh bạch mọi thông tin trên website; đăng tải đầy đủ thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư. Tổ chức các khóa bồi dưỡng, hoặc có hình thức phổ biến đến các doanh nghiệp tư nhân nắm rõ luật pháp, thủ tục hành chính, chính sách thuế doanh nghiệp…
Tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup bằng biện pháp cụ thể: Có ngân sách hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tự tạo ra giá trị, tự liên kết các chuỗi cung ứng minh bạch với nhau; tăng cường các quỹ đầu tư cho startup, và các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có nhu cầu gọi vốn để mở rộng kinh doanh. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp về khoa học công nghệ, bởi khoa học công nghệ là hạt nhân đưa đất nước đến hùng cường.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giúp thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa; cũng như sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới.
Về phía Ngân hàng Thế giới (WB), ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình phát triển con người khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt các chỉ số vốn nhân lực nhưng cũng đang phải đối mặt với 2 thách thức chính trong việc đảm bảm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.
Đại diện WB cũng đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Hiện nay, kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và hộ kinh doanh cá thể. Quan niệm kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” cho thấy bước đột phá về nhận thức của Đảng ta so với giai đoạn trước, khi chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.
Nhận định về vấn đề trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế tư nhân từ chỗ bị hắt hủi, tới nay đã được xác định trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng chính sách cho nó tới nay đã tới hạn, khi chúng ta vừa cần nó, vừa thích nó lại vừa luôn muốn kiểm toả nó.
"Chúng ta hay nói về quyền tự do kinh doanh, nhưng rõ ràng là gần như không có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp một cách hiệu quả, khi mà một doanh nghiệp có thể đóng cửa chỉ vì một quyết định hành chính, dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp không cảm thấy an toàn. Thể chế kinh tế của Việt Nam, tôi cho rằng, như đứa trẻ lớn nhanh và đã chạm trần. Phải đục, phá bỏ trần đó đi thì mới lớn lên được", vị chuyên gia nói.
Bởi vậy, ông cho rằng đừng nói chuyện 4 chấm, 5 chấm gì cả, bởi thể chế nếu không thay đổi, đang theo hướng kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của doanh nghiệp.
Thảo Nguyên (TH)/ĐTVN - CLVN