Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Ôm quỹ đất khủng, bà trùm KCN Nguyệt Hường có 'mắc cạn'?

KINH TẾ MÔI TRƯỜNG 07:16 10/11/2020

Trong suốt các nhiệm kì làm Đại biểu Quốc hội, nhóm các công ty thuộc Tập đoàn VID (nay là Tập đoàn TNG) của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát triển bành trướng, thâu tóm quỹ đất “khủng”

Nhưng sau đó, nhiều dự án treo không triển khai, bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Công thức “ăn đất”

“Bông hồng vàng” nghị trường một thời – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đã bị xóa tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV vì vi phạm Luật Quốc tịch Nhà nước CHXHCN Việt Nam sau bê bối nhập quốc tịch Cộng hòa Malta vào năm 2016. Tai tiếng này đã đặt dấu chấm hết con đường chính trị tưởng như vững chắc hàng chục năm của cựu Đại biểu Quốc hội, tạm gác lại chuyến du học trời tây của con trai bà, kéo theo biến cố chao đảo hoạt động kinh doanh...

Dư luận thời điểm ấy cũng xôn xao về những phi vụ làm ăn đình đám của bà Nguyệt Hường khi còn làm Đại biểu Quốc hội, với sự phát triển bành trướng của Tập đoàn VID Group (nay là Tập đoàn TNG) mà bà làm Chủ tịch, cùng hệ sinh thái hàng chục công ty kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gồm khu công nghiệp, bất động sản, phát triển dự án, quản lý tòa nhà, bán lẻ…

tm-img-alt

Vì sao bà Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn TNGsở hữu tập đoàn đa ngành lớn mạnh, lại cần “hộ thân” 1 tấm hộ chiếu ngoại Malta?

Bà nghị Nguyệt Hường cũng tạo dựng được uy tín làm ăn trên thương trường khi là vợ của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Ngân hàng MaritimeBank (tên mới là MSB), được ví như “một cặp trời sinh” nổi tiếng kinh doanh thành công, trở thành những tỉ phú đô la của Việt Nam.

Trong 20 năm qua, nhóm công ty thuộc VID Group dưới thời bà nghị Nguyệt Hường đã phát triển với tốc độ “thần tốc” về quy mô, số lượng, tạo nguồn thu khổng lồ, nhất là ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các khu công nghiệp lớn. Theo thông tin công bố, TNG Group liên tục thu gom, thâu tóm quỹ đất đai rất lớn để phát triển các khu công nghiệp tại các địa phương, như Hà Nội (534ha), Hà Nam (263ha), Hải Dương (390ha), Hưng Yên (370ha)… Kèm theo một số dự án KCN, tập đoàn này cũng “xin” thêm được 76ha để làm khu dân cư, dịch vụ cho công nhân KCN ở Hải Dương, Hà Nam để kinh doanh, thu hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp của TNG Group liên tục dính lùm xùm tố cáo là “tội đồ” gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước do tình trạng xả thải vi phạm của nhiều doanh nghiệp tại đây. Điển hình như KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) trong hơn chục năm qua đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây hệ lụy nghiêm trọng...

Kết quả kiểm tra quan trắc toàn diện môi trường tại KCN Quang Minh của Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường và công an Hà Nội vào năm 2010, đã phát hiện 62/75 doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, bị xử phạt hành chính hàng tỉ đồng. Thậm chí, trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Quang Minh không hoạt động, nước thải đen bốc mùi hôi thối được xả thẳng ra môi trường.

tm-img-alt
KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) trong hơn chục năm qua đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây hệ lụy nghiêm trọng

Những vi phạm gây ô nhiễm môi trường từ các KCN của TNG Group vẫn chưa có xử lý, khắc phục thỏa đáng, dù đã và đang đe dọa trực tiếp sức khỏe, cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các địa phương đã lỡ chấp nhận “đánh đổi” môi trường để đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng.

Thế nhưng, không vì những vi phạm nghiêm trọng ấy mà những quỹ đất đai rộng lớn ở nhiều địa phương lại có thể “trượt” khỏi tay bà nghị Nguyệt Hường, ngược lại, các dự án làm KCN, dự án bất động sản vẫn không ngừng được cấp phép, mở rộng đất nhờ vào tầm ảnh hưởng, quyền năng của nữ Đại biểu Quốc hội.

Cú “bẻ lái” sang bất động sản và bí ẩn dòng tiền bất tận

Bất ngờ hơn, năm 2015, TNG Group chính thức lấn sân phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở quy mô lớn với giá trị đầu tư cả chục nghìn tỉ, gồm 4 dự án khu đô thị, chung cư cao cấp với tổng số lượng 10 nghìn căn hộ ở Hà Nội, TP.HCM.

Dù tuyên bố tiên phong mở lối trở thành nhà phát triển bất động sản lớn, uy tín, TNG Group và thành viên TNR Holdings vẫn chọn theo lối mòn kinh doanh bán nhà “chui”, huy động vốn chưa đủ điều kiện như nhiều chủ đầu tư khác. Ngang nhiên mở bán căn hộ ở giai đoạn chưa xong móng, lách luật để huy động vốn bất chấp vi phạm Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai… để có tiền quay vòng làm dự án theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.

tm-img-alt
Vì sao nhóm công ty thuộc Tập đoàn TNG có thể thâu tóm nhanh gọn quỹ đất đai rộng lớn?

Không ít người băn khoăn vì sao nhóm công ty thuộc Tập đoàn TNG có thể thâu tóm nhanh gọn quỹ đất đai rộng lớn, có vị trí đẹp, giá trị thương mại tăng theo cấp số nhân để tạo doanh thu, lợi nhuận khủng cho các ông bà chủ? Chưa hết, việc chạy thủ tục dự án nhanh “thần tốc”, thậm chí khi triển khai thi công, kinh doanh bán nhà đất có nhiều vi phạm pháp luật, mà bà nghị Nguyệt Hường vẫn bình yên vô sự.

Như một quy luật Nhân –Quả, khi con đường chính trị “đứt gánh”, bà Hường cũng mất đi cửa “lobby” dự án, nguồn vốn đầu tư gặp khó khăn, bế tắc suốt nhiều năm qua khiến cho hàng loạt dự án lớn nhỏ bị trì hoãn, dở dang, hay tạm dừng thi công. Thiếu vốn, kẹt thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án vẫn treo trên giấy, bỏ hoang đất đai, rất lãng phí.

Đơn cử, trên con đường biển đẹp nhất bãi Dài Cam Ranh, dự án du lịch nghỉ dưỡng hơn 15,2ha án ngữ mặt biển đẹp nhất của TNR Holdings (công ty thành viên của Tập đoàn TNG). Song siêu dự án 1.890 tỉ đồng của TNR Holdings dính đất ở không hình thành đơn vị ở (hơn 4,3 ha đất được chuyển đổi từ đất thương mại, dịch vụ sang đất ở), do chính quyền Khánh Hòa “ưu ái” cấp duyệt cho công ty tư nhân trái luật. Đến giờ, các bên liên quan dự án này vẫn đang bế tắc chưa gỡ rối pháp lý, và có nguy cơ bị thu hồi dự án do chậm triển khai quá lâu.

Một số dự án bất động sản của Tập đoàn TNG thời gian qua liên tục dính kiện cáo, tố cáo chủ đầu tư lừa đảo, không có sổ đỏ, quảng cáo bán hàng sai sự thật,... đã gây tiếng xấu trên thị trường.

Với hàng loạt dự án quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn lên tới cả tỉ đô, thế nhưng tiềm lực tài chính của Tập đoàn TNG và hệ sinh thái công ty ra sao, lại không được tiết lộ. Giới đầu tư vẫn xì xào về những phi vụ “đi đêm” cho vay vốn giữa nhóm công ty của VID Group và MSB, ủy thác vốn…trong vòng quay điều chuyển vốn. Bởi khi bà nghị mất đi tấm kim bài miễn tử “đại biểu quốc hội” thì cả VID Group và MaritimeBank đều điêu đứng, dòng tiền bị thanh kiểm tra gắt gao, mà đến giờ, “vòng kim cô” vẫn treo trên đầu.

Dư luận không cắt nghĩa được vì sao một nữ doanh nhân tài cao, một bà nghị quyền lực đang ở đỉnh cao, sở hữu tập đoàn đa ngành lớn mạnh với khối tài sản “khủng”, lại cần “hộ thân” 1 tấm hộ chiếu ngoại Malta để có thể thoải mái ra vào hàng chục quốc gia? Điều gì có thể đe dọa an nguy khiến bà nghị luôn sẵn sàng biến hình thành “cơ trưởng Pháo”?

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/om-quy-dat-khung-ba-trum-kcn-nguyet-huong-co-mac-can-50825.html

Bạn đang đọc bài viết Ôm quỹ đất khủng, bà trùm KCN Nguyệt Hường có 'mắc cạn'? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân