Tập đoàn Masan (Masan) thông báo chào bán trái phiếu đợt 1 trị giá 3.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm tài sản và có thứ tự thanh toán ngang bằng với tất cả các nghĩa vụ khác không được bảo đảm của Masan.
Đợt bán trái phiếu đầu tiên này thời hạn nhận đăng ký mua từ ngày 17/2 đến ngày 8/3. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất thanh toán năm đầu tiên là 9,3%/năm, 6 tháng tiếp theo tính theo tổng của 2,5%/năm cộng lãi tham chiếu (trung bình cộng của các lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng do BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank).
Mục đích huy động vốn nhằm góp thêm vốn điều lệ vào các công ty con của Masan, đồng thời thanh toán nợ vay, bao gồm các khoản vay nội bộ của công ty.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch tập đoàn Masan |
Đợt phát hành trái phiếu này nằm trong đợt phát hành trái phiếu quy mô lớn, trị giá 10.000 tỷ đồng của Masan, được chia làm làm 4 đợt. Cụ thể, đợt 1 phát hành 30 triệu trái phiếu, đợt 2 phát hành 20 triệu trái phiếu, đợt 3 phát hành 30 triệu trái phiếu và đợt 4 phát hành 20 triệu trái phiếu. Các đợt phát hành dự kiến diễn ra trong quý 1 và quý 2 năm 2020.
Tổng số tiền thu về Công ty dự chi 5.000 tỷ góp thêm vào vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm nhìn Masan, cấp khoản vay 3.000 tỷ cho Masan Comsumer Holdings và 1.000 tỷ cho MNS Meat Hà Nam. Cuối cùng, Masan dự chi 1.000 tỷ còn lại để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Việc thông qua nghị quyết huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu nói trên diễn ra không lâu sau khi Masan nhận sáp nhập hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+ và nông trại VinEco của Vingroup với mục tiêu trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Sau khi hoàn tất sáp nhập, Masan là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) của công ty mới. Công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consumer và 83,7% cổ phần VCM – đơn vị vận hành 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng Vinmart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi. Tập đoàn Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động của công ty mới. Doanh thu năm 2020 của VCM dự kiến đạt 45-48 nghìn tỷ đồng, mục tiêu EBITDA từ mức -3% đến hòa vốn.
Trước đó, Masan nổi lên như một “ông lớn” của mảng tiêu dùng với sản phẩm nước chấm và mỳ gói. Việc huy động số lượng lớn vốn như vậy thể hiện rõ được tham vọng chiếm lĩnh mảng thịt của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Từ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, Masan Nutri Science ( MNS) chuyển tên thành Masan MeatLife (MML) – tức là chuỗi giá trị đạm động vật có thương hiệu.
Việc bắt tay của hai “ông lớn” là Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang hồi cuối năm 2019 cho thấy tham vọng số 1 về mảng tiêu dùng – bán lẻ của Masan. Theo đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của công ty này, và công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.
Việc sáp nhập trên chính là nền tảng để ông Nguyễn Đăng Quang thực hiện nốt việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ vẫn còn đang gặp nhiều thử thách.
Gần đây, giá cổ phiếu MNS liên tục bị lao dốc và giảm sâu. Từ phiên giao dịch hôm 20/12, chỉ còn 55.000đ/cp, tương ứng vốn hóa thị trường còn 64.292 tỷ đồng, giảm 30% so với thời điểm đầu năm 2019. Điều này đã khiến ông Quang bị “bật” khỏi danh sách tỷ phú đô la, theo công bố của Forber. Tổng tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang chỉ còn vào khoảng 974,5 triệu USD.
Theo Investgo