Dù không được cấp phép xây dựng, nhưng sân tập golf có diện tích lên tới hàng nghìn m2 tại dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty Cổ phần đầu tư An lạc làm chủ đầu tư vẫn “ngang nhiên” hoạt động nhiều năm nay, trước sự ‘làm ngơ” của các cấp chính quyền sở tại?
Sân tập golf không phép trên đất dự án |
Tìm hiểu được biết, dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2005, nhưng đến năm 2008 do sáp nhập vào thành phố Hà Nội nên đã điều chỉnh quy hoạch. Chính vì vậy, dự án này đã bị “đắp chiếu" từ đó đến nay.
Trong quá trình chờ triển khai dự án, Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc đã “biến” khu đất nơi đây thành một sân tập golf mang tên sân tập golf Vân Canh. Sân tập golf rộng hàng nghìn m2 với đầy đủ dịch vụ phục vụ khách hàng đã “mọc” lên trên đất dự án “đắp chiếu” này. Điều đáng nói, mặc dù đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức không hề xử lý.
Theo phản ánh từ một số người dân sống tại khu vực này cho biết: Sân tập golf Vân Canh được xây dựng kiên cố và đưa vào khai thác từ năm 2016, với đầy đủ dịch vụ phục vụ khách hàng. Đây là đất dự án, nhưng không hiểu tại sao một sân tập lớn như vậy, không được cấp phép mà vẫn tồn tại suốt thời gian dài.
Nhà điều hành sân tập golf Vân Canh |
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 10/3, tại sân tập này, Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc đã cho xây dựng một ngôi nhà điều hành kiên cố và bãi đỗ xe cho khách đến tập. Khu vực đánh golf với chiều cao 2 tầng, mái tôn. Xung quanh dự án, được xây dựng một hệ thống hàng rào bảo vệ kiên cố. Hàng ngày sân tập này thu hút rất đông khách đến đánh golf dù đang trong lúc cao điểm dịch bệnh Covid-19, tránh tập trung đông người.
Bãi để xe sân tập golf |
Theo lời giới thiệu của nhân viên tại sân tập, tại đây mở cửa hàng ngày từ 6h – 22h, khách hàng không cần đặt lịch trước. Khách chơi golf đến thanh toán bằng tiền mặt, với giá 80.000 đồng/100 bóng (áp dụng tất cả các ngày trong tuần).
Những lời giới thiệu “có cánh” trên một số website |
Trên một số website giới thiệu sân tập golf này, cũng đưa ra những lời giới thiệu “có cánh”: Sân tập golf Vân Canh do Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc xây dựng có diện tích hàng nghìn m2 tọa lạc trong Khu đô thị Đại học Vân Canh – Hoài Đức – Hà Nội. Đây là điểm đến mới lý tưởng ở khu vực Hà Nội, không thể bỏ qua cho những người đam mê Golf, môn thể thao thể hiện sự đẳng cấp…Sân tập có 2 tầng với 56 làn đánh độ dài 300 yard giúp các golfer thỏa sức vung gậy tạo nên những cú bóng đầy mạnh mẽ, uy lực…
Liên quan tới việc sân tập golf Vân Canh chưa được cấp phép nhưng đã “ngang nhiên” đi vào hoạt động, ông Nguyễn Thế Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết: Khu đô thị Đại học Vân Canh được giải phóng mặt bằng từ năm 2008, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc. Sân tập golf Vân Canh nằm trong diện tích đất giải phóng mặt bằng, đã được chuyển đổi sang là đất đô thị. Sân tập này hình thành, hoạt động khoảng 3-4 năm nay rồi, có lần Thanh tra xây dựng có báo cáo, anh em cũng bảo là tạo điều kiện cho làm tạm thôi, để cho anh em công nhân, viên chức của công ty tập đồng thời có đoàn nào đến thì có kinh phí để họ trang trải cho lực lượng bảo vệ.
Ông Minh cho biết thêm, Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Hoài Đức đã xuống kiểm tra và lập biên bản xử phạt, báo cáo UBND huyện Hoài Đức. UBND huyện đã có quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, thu nhỏ sân tập lại.
Khi phóng viên đề cập đến việc xử lý dứt điểm công trình vi phạm này, ông Minh chia sẻ, theo thẩm quyền UBND xã không được lập biên bản vi phạm mà trách nhiệm thuộc về Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Hoài Đức.
Được biết, theo quy định của Luật Đầu tư 2014 thì việc xây dựng và kinh doanh sân gofl không phân biệt nguồn vốn phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và theo quy hoạch sân golf. Nếu sân golf chưa được phê duyệt dự án và cấp giấy phép xây dựng nhưng đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng là chưa tuân thủ quy định của Luật đầu tư, và có thể bị xử lý vi phạm tại Điều 73, Luật đầu tư 2014 và Điều 13, Nghị định 50/2016/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoạt động của sân golf còn vi phạm quy định tại Điều 11, Nghị định 91/NĐ – CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo đó mức phạt tiền đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên. Đồng thời phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Cũng theo quy định tại Khoản 5, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ – CP xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, cụ thể:
5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, với hành vi xây dựng và hoạt động sân golf trái pháp luật thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định và buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Nhiều người dân đang đặt câu hỏi, việc quản lý trật tự xây dựng của UBND xã Vân Canh, UBND huyện Hoài Đức có lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm? Tại sao vi phạm đã xảy ra từ nhiều năm nay mà chính quyền sở tại vẫn chưa có biện pháp xử lý? Phải chăng đang có sự “bao che” để cho vi phạm “ngang nhiên” tồn tại?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.