Quỹ bảo trì được “nhờ giữ hộ” trong 8 năm
8 năm qua, kể từ khi thành lập Ban quản trị chung cư 713 Lạc Long Quân, quỹ bảo trì vẫn chưa được chuyển giao cho ban quản trị và vẫn do chủ đầu tư nắm giữ.
Đến đầu năm 2022 khi cư dân nêu vấn đề quỹ bảo trì, Ban quản trị chung cư 713 Lạc Long Quân cùng chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng giao thông đô thị Hà Nội mới lập tài khoản đưa số tiền hơn 3,44 tỷ đồng vào một tài khoản nhưng vẫn chưa chuyển giao cho Ban quản trị vì lý do Ban quản trị chưa có tài khoản ngân hàng.
Chị H. cư dân ở toà chung cư bức xúc “gần 10 năm trời, tiền quỹ bảo trì được quản lý không đúng quy định pháp luật, số tiền này nhiều cư dân nghi ngờ việc chủ đầu tư chiếm dụng sử dụng trong thời gian dài”.
Anh S. cư dân chung cư 713 Lạc Long Quân còn cho rằng: “Ban quản trị đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, không quản lý hồ sơ nhà chung cư, không giải quyết các bức xúc của cư dân. Gần đây nhất tại cuộc họp ngày 13/3/2022 cư dân yêu cầu kiểm toán độc lập tài chính của chung cư nhưng Ban quản trị không phản hồi”.
Ông Hoàng Minh Anh, Trưởng Ban quản trị chung cư 713 Lạc Long Quân thừa nhận: “Nhiều năm qua quỹ bảo trì tòa chung cư được Ban quản trị nhờ chủ đầu tư tòa nhà giữ hộ, việc này sai trong quản lý quỹ bảo trì”.
Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn: "Quản lý quỹ bảo trì theo quy định Thông tư 02/2016/TT-BXD, sau khi ban quản trị thành lập, quỹ bảo trì phải chuyển giao ngay cho Ban quản trị để quản lý. Việc Ban quản trị chung cư không lập tài khoản ngân hàng mà nhờ chủ đầu tư quản lý là chưa phù hợp với quy định của Thông tư".
Trong quy định tại khoản 4 Điều 37 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD cũng nêu rõ tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản của bên thực hiện bảo trì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư.
Đồng thời tại khoản 4 Điều 16 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD cũng nêu rõ mọi quyết định của hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được thông qua theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu; nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các thành viên chủ trì và thư ký cuộc họp hội nghị nhà chung cư.
Diện tích chung riêng chưa rõ ràng, phí dịch vụ nhập nhằng
Không chỉ dừng lại ở vấn đề quỹ bảo trì và sự minh bạch về tài chính, cư dân chung cư 713 Lạc Long Quân còn “tố” chủ đầu tư Công ty cổ phần xây dựng giao thông đô thị Hà Nội không chứng minh được quyền sở hữu tầng 2, 3 thuộc sở hữu của công ty. Cư dân còn cho rằng, trên các giấy tờ đều ghi chung cư 18 tầng vậy tính hợp pháp của tầng 19 mà chủ đầu tư đang sử dụng cho thuê làm văn phòng là ở đâu?
Xung đột của cư dân và chủ đầu tư chung cư 713 Lạc Long Quân lên tới đỉnh điểm khi cư dân đỗ xe dưới sân, chủ đầu tư cũng là đơn vị được Ban quản trị thuê vận hành tòa nhà đã khóa các bánh xe ô tô. Công an phường Phú Thượng đã phải vào giải quyết, yêu cầu mở khóa các xe ô tô và giữ nguyên hiện trạng.
Cư dân chung cư 713 Lạc Long Quân cho rằng, diện tích sân xung quanh tòa nhà thuộc diện tích chung nhưng chủ đầu tư Công ty cổ phần xây dựng giao thông đô thị Hà Nội khẳng định, đây là diện tích thuộc quyền quản lý của Công ty.
UBND phường Phú Thượng, quận Tây Hồ có văn bản đề nghị Công ty cổ phần xây dựng giao thông đô thị Hà Nội họp cùng Ban quản trị tòa nhà để bóc tách diện tích chung, riêng, phần diện tích tầng 2, 3, 19. Cung cấp hồ sơ, văn bản pháp lý… Thông tin kết quả bằng văn bản đến UBND phường Phú Thượng trước ngày 8/7/2022.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, người dân vẫn chưa thấy động thái từ Ban quản trị và Công ty cổ phần xây dựng giao thông đô thị Hà Nội giải quyết các vấn đề kiến nghị của cư dân.