Vấn đề tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư các dự án chung cư cao tầng đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Khởi đầu từ những tranh chấp liên quan đến diện tích sử dụng chung – riêng, quản lý – sử dụng phí bảo trì (2%), cắt xén diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng sử dụng tầng thương mại, không thực hiện cam kết với khách hàng theo đúng hợp đồng mua bán nhà…
Mới đây nhất là sự việc chủ đầu tư tự ý xây hạng mục phòng cháy chữa cháy bổ sung tại tầng 2, tầng để xe của 228 hộ dân tại chung cư nhà ở xã hội Nam Rice City Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà không thông báo và lấy ý kiến trực tiếp từ cư dân.
Sáng nay (2/12), người dân xuống tầng 2 để lấy xe đi làm không khỏi bất ngờ khi thấy một tốp thợ đang xây tường bọc bao quanh 3 cái thang máy của chung cư, mà không biết xây để làm gì. Không có đại diện của chủ đầu tư hay đại diện Ban quản lý có mặt để hỏi, người dân chỉ được nghe bảo vệ thông báo là xây nhằm mục đích phòng cháy chữa cháy!?
Trước sự việc trên, người dân vô cùng bức xúc. Đến Tổ trưởng tổ dân phố cũng không hề biết có việc này và đã gọi điện với Trưởng Ban quản lý tòa nhà nhưng không liên lạc được.
Ông Lã Tuấn Anh – Trưởng Ban quản lý tòa nhà Nam Rice City Linh Đàm cho biết, việc xây này theo yêu cầu của bên phòng cháy chữa cháy nhưng lại không đưa ra văn bản thẩm duyệt thiết kế, các phương án khi cư dân đề nghị được biết. Và hẹn sẽ báo cáo chủ đầu tư để tổ chức họp giữa chủ đầu tư – Ban quản lý – cư dân. |
Sau nhiều lần liên lạc thì cư dân mới gặp được Trưởng Ban quản lý là ông Lã Tuấn Anh và hỏi về việc tại sao lại có việc xây bao tường như vậy? Ông Tuấn Anh cho biết: Việc xây bao quanh 3 thang máy là theo yêu cầu của lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Các cư dân cho rằng, lời giải thích của ông Lã Tuấn Anh chưa thuyết phục. Vì muốn xây dựng hạng mục nói trên thì phải có phương án và thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng đại diện Ban quản lý tòa nhà lại không đưa ra được bất cứ văn bản nào để khẳng định hạng mục được phép xây và liệu phương án đưa ra có đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy không? Chưa kể, chi phí để xây sẽ sử dụng nguồn nào, từ chủ đầu tư hay lấy từ quỹ bảo trì của cư dân?
Hơn nữa, việc xây bao quanh 3 thang máy như vậy sẽ làm cản trở lưu thông xe, cản trở việc đi lại của người dân trong khi tầng 2, nơi để xe máy vốn cũng đã bị quá tải.
Qua tìm hiểu của phóng viên, theo QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, liên quan đến việc bố trí khoang đệm thang máy dưới hầm quy định: Trong tầng hầm hoặc tầng nửa hầm, trước lối vào các thang máy phải bố trí các khoang đệm ngăn cháy loại 1 có áp suất không khí dương khi cháy.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã sai khi không thông báo trực tiếp với người dân; không đưa ra phương án, thiết kế để trưng cầu ý kiến người dân nhằm có được sự đồng thuận giữa chủ đầu tư, Ban quản lý và người dân…
Trao đổi với đại diện Công ty Cổ phần BIC Việt Nam, phóng viên được biết, việc Ban quản lý thực hiện theo quy định phòng cháy chữa cháy là việc của họ, vì bên chủ đầu tư đã thuê đơn vị này quản lý. Đơn vị này có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý vận hành liên quan đến hoạt động của nhà chung cư. Chỉ những việc sửa chữa lớn thì mới báo cáo lên chủ đầu tư…
Nói như vậy phải chăng chủ đầu tư không có trách nhiệm gì trong sự việc này?
Bà Trần Hồng Vân - Tổ trưởng Tổ dân phố 38, phường Hoàng Liệt bức xúc nói: “Chúng tôi, cư dân tòa Nam Rice City không đồng tình với câu trả lời trên của chủ đầu tư vì cho rằng, chủ đầu tư bán nhà cho người dân thì phải chịu trách nhiệm chính. Ban quản lý không có tư cách pháp nhân, chỉ là đại diện cho chủ đầu tư và đơn vị phòng cháy chữa cháy làm việc trực tiếp với chủ đầu tư”.
Việc xây hạng mục phòng cháy chữa cháy bổ sung không biết có đảm bảo an toàn cho cư dân hay không nhưng trước mắt đã thấy diện tích, không gian bị thu hẹp, cản trở lưu thông xe cộ ra vào, nhất là chỗ để xe của tòa nhà đã quá tải. |
Do đó, cư dân tòa nhà yêu cầu chủ đầu tư BIC Việt Nam tổ chức họp với Ban quản lý và các hộ dân để làm rõ việc thi công bổ sung hạng mục phòng cháy chữa cháy theo văn bản, yêu cầu nào của lực lượng phòng cháy chữa cháy và phải có phương án, thiết kế thi công được đơn vị có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, làm rõ các nội dung khác như vì sao bây giờ tòa nhà mới bổ sung hạng mục trong khi trước đó, lúc đưa tòa nhà vào sử dụng, đã được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy? Chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà cũng cần nói rõ chi phí xây dựng hạng mục được trích từ nguồn nào?
Và điều quan trọng nhất là chủ đầu tư cần nhanh chóng tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị…
Được biết, sau khi người dân có ý kiến và yêu cầu dừng việc xây hạng mục, Ban quản lý đã cho dừng thi công và trả lại hiện trạng tầng 2 như ban đầu.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.