Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Từ sai phạm của địa ốc Him Lam đến những khuất tất cần làm rõ

Kinh doanh 15:58 26/07/2022

Nhiều sai phạm trong xây dựng, thực hiện dự án theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”, “nợ sổ đỏ” kéo dài ở dự án có vấn đề về mặt pháp lý...

đã và đang ảnh hưởng nhất định đến uy tín của CTCP kinh doanh địa ốc Him Lam. Không chỉ vậy, tình hình tài chính không mấy sáng sủa của “hệ sinh thái” Him Lam cũng là điều đáng quan tâm.

Cách đây khoảng 1 tháng, trong loạt vi phạm quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng… tại một số dự án ở hai bên đường Tố Hữu (Hà Nội), Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ sai phạm tại Dự án khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc do CTCP kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land) làm chủ đầu tư.

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Theo đó, chủ đầu tư Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc bị chỉ ra đã xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết được duyệt. Chẳng hạn như xây sai tầng tăng thêm, hoặc quy hoạch chi tiết được duyệt là bãi đỗ xe thì thực tế là văn phòng, sàn giao dịch.

HINH-2309-1657067389.jpg

Sai phạm về xây dựng tại Dự án khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc đã và đang ảnh hưởng nhất định đến uy tín của Him Lam Land.

Cần thấy rõ đây không phải lần đầu tiên Him Lam Land bị nhắc tên về sai phạm trong xây dựng tại một dự án bất động sản. Trên thực tế, doanh nghiệp này đã có điều tiếng không hay quanh chuyện xây dựng sai phép, trái quy hoạch, thực hiện dự án theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” và “nợ sổ đỏ” cho khách hàng ở dự án có khúc mắc về mặt pháp lý.

Còn nhớ, hồi tháng 4/2022, thông qua phản ánh của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), Him Lam Land có đề nghị được giao đất Dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần  thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc ở phường Phước Bình, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM), để được thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm thủ tục cấp “Giấy chứng nhận” cho khách hàng.

Cụ thể, về thủ tục xây dựng, Him Lam Land là chủ đầu tư của dự án thành phần nêu trên, có diện tích 2,16 ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án từ năm 2010.

Ban đầu, Dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, do CTCP Địa ốc 10 (RES 10) làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án và các chủ đầu tư dự án thành phần có trách nhiệm đóng góp kinh phí theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng.

Không những vậy, Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc dính nhiều sai phạm, đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra. Cho nên, điều khó tránh khỏi là Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa thể được giao đất để Him Lam Land thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm “sổ đỏ” cho khách hàng.

Thông qua HoREA, Him Lam Land có đề nghị UBND Tp.HCM xem xét giao đất Dự án Khu nhà ở Him Lam để công ty được thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với dự án thành phần của công ty và đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án thành phần của công ty để Him Lam Land đủ điều kiện làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho khách hàng.

Dấu hỏi từ chuyện “nợ sổ đỏ” và nợ phải trả

Nên nhớ, nhiều năm nay người dân mua đất tại Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc liên tục khiếu kiện khắp nơi vì hạ tầng chưa xong, khu dân cư nhếch nhác, trong khi người dân đã xây nhà từ rất lâu nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82ha do CTCP Địa ốc 10 (thành viên của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV) làm chủ đầu tư. Dự án được giao cho Công ty CP Địa ốc 10 xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính từ năm 2001. Sau khi hoàn chỉnh hạ tầng, DN này phải bàn giao đất để Tp.HCM tiếp tục giao đất cho các nhà đầu tư.

Về phía CTCP Địa ốc 10, qua thanh tra được biết một số cá nhân lãnh đạo ở đây có hành vi ký hợp đồng kinh tế với với Công ty Phát triển Hàng hải và Công ty TNHH thương mại Him Lam nhằm cho 2 đơn vị này tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp trước khi dự án được giao.

Và chính việc ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị tham gia thực hiện dự án có nội dung cho phép “được quyền tổ chức kinh doanh”, dẫn đến các đơn vị này cho rằng được phân lô, huy động vốn từ cá nhân, thực chất là bán nền đất.

Hồi năm 2019, UBND TP.HCM chuyển cơ quan điều tra về việc quản lý, sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai của CTCP Phát triển Hàng Hải tại các dự án thành phần thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai của Công ty TNHH thương mại Him Lam có liên quan đến dự án này liệu có khuất tất nào hay không vẫn cần được cơ quan quản lý giải đáp.

Cần nhắc thêm, Công ty TNHH thương mại Him Lam là tiền thân của Công ty cổ phần Him Lam ngày nay. Còn Him Lam Land là thành viên chủ lực của Him Lam Group, gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

Thời gian gần đây, ngoài chuyện lùm xùm về sai phạm xây dựng ở những dự án khu nhà ở hay “nợ sổ đỏ”, dư luận còn đề cập đến tình hình tài chính không mấy sáng sủa của Him Lam Group.

Chẳng hạn như tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Him Lam Group lên tới 96.599 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng 27.155 tỷ đồng, tương đương 39,1% so với cuối năm 2020.

Thế nhưng, giới phân tích cho rằng dù có tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn tại Him Lam Group lại rất thấp. Như năm 2021, doanh thu chỉ đạt 2.227 tỷ đồng, giảm 2.267 tỷ đồng, tương đương 50,4% so với năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Him Lam vô cùng thấp, chỉ đạt 0,58%.

Bên cạnh hiệu quả sử dụng vốn siêu thấp, Him Lam Group còn gây chú ý khi nợ quá lớn, tài sản (nguồn vốn) lên tới 3 tỷ USD nhưng có tới 96% là nợ. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản tại Him Lam đạt 96.599 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 90.027 tỷ đồng, chiếm 93,2% tổng nguồn vốn.

Bạn đang đọc bài viết Từ sai phạm của địa ốc Him Lam đến những khuất tất cần làm rõ tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản