Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Sai phạm tại dự án tiền tỷ ở Lục Nam: 'Chỉ rút kinh nghiệm là không đúng luật!

Nguyễn Triệu 11:28 21/04/2020

“Sai phạm tại dự án do Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Lục Nam làm chủ đầu tư đã được kết luận nhưng không kiến nghị áp dụng hình xử lý theo luật mà chỉ... rút kinh nghiệm là bất thường.

Như Pháp luật Plus đã thông tin liên quan đến Dự án “duy tu, sửa chữa tuyến đường huyện Bắc Lũng – Yên Sơn – Phương Sơn – Bảo Đài, huyện Lục Nam” với tổng mức đầu tư gần 2,7 tỷ đồng do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam làm chủ đầu tư bị cơ quan chức năng kết luận thiếu minh bạch, sai phạm.

20190907102125-1111-2

Quốc lộ 31 đi qua huyện Lục Nam. Ảnh chụp tháng 9/2019. Ảnh Duy Lập

Rút kinh nghiệm không có trong Luật

Để rộng đường dư luận Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hoàng để có góc nhìn pháp lý liên quan đến nội dung này.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Rút kinh nghiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 năm 2008 không thuộc các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ công chức.

Đây là một cách thức cơ quan quản lý cấp trên xử lý nội bộ theo cảm tính mà chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Rút kinh nghiệm là một kiểu quản lý rất thiếu tính pháp lý, hình thức này không phải quy phạm pháp luật.

Dường như đây là cách lách luật để biến những sai phạm dù đã luật pháp điều chỉnh phải thi hành kỷ luật thành sự việc có tính nội bộ, sai phạm lớn, nghiêm trọng thành nhỏ, sai phạm nhỏ trở thành không có”.

vov_luat_su_plig

Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Ngọc Hoàng nhận định: “Một kết luận kiểm tra, thanh tra đã nêu ra được hành vi sai phạm, xác định được nguyên nhân chủ quan, khách quan, người vi phạm mà không kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật là biểu hiện của một kết luận không khách quan, né tránh.

Rút kinh nghiệm để không phải chịu trách nhiệm sẽ làm suy yếu hệ thống quản lý Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào cơ quan quản lý hành chính, giảm sút vai trò quản lý của Đảng bộ địa phương. Đây mới là hậu quả, nguy cơ lớn nhất”.

Dự án tiền tỷ sử dụng ngân sách Nhà nước

Liên quan đến Dự án “duy tu, sửa chữa tuyến đường huyện Bắc Lũng – Yên Sơn – Phương Sơn – Bảo Đài, huyện Lục Nam” với tổng mức đầu tư gần 2,7 tỷ đồng do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam làm chủ đầu tư.

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Giang kết luận: Chủ đầu tư dự án (Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Lục Nam) đã không cung cấp thông tin đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu (gói thầu thực hiện trước khi có quyết định đầu tư và sau khi có quyết định đầu tư) lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, vi phạm theo quy định tại Điều 8, Luật Đấu thầu năm 2013.

Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thực hiện trước khi có quyết định đầu tư (gói thầu: Tư vấn khảo sát, lập báo cáo KT-KT công trình) có một số nội dung chưa phù hợp với quy định tại Điều 35, Luật đấu thầu năm 2013, cụ thể:

Đối với thời gian bắt đầu lựa chọn nhà thầu: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt quy định nội dung này là “thời gian lựa chọn nhà thầu” không phù hợp với quy định tại khoản 5, điều 35 Luật Đấu thầu năm 2013. Theo quy định của Luật Đấu thầu, nội dung này được quy định là “thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu”.

tru-so-huyen-1513824855
Trụ sở UBND huyện Lục Nam.

Đối với nội dung “thời gian thực hiện hợp đồng”: Theo duy định tại khoản 7, Điều 35 Luật Đấu thầu năm 2013, thời gian thực hiện hợp đồng là “số ngày tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng…”. Như vậy, nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt quy định thời gian thực hiện hợp đồng “15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng” là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đói với các gói thầu: Tư vấn lựa chọn nhà thầu, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công xây dựng, bảo hiểm công trình có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật về Đấu thầu. Cụ thể: Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu “chỉ định thầu rút gọn không thuộc một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu được pháp luật quy định (mục 1, chương II Luật Đấu thầu năm 2013);

Không quy định phương thức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu trên; Quy định thời gian thực hiện hợp đồng: “Quý I, II/2017” (đối với gói tư vấn lựa chọn nhà thầu) và “Kể từ ngày ký hợp đồng đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng” (đối với các gói thầu: tư vấn lựa chọn nhà thầu, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công xây dựng) không phù hợp với quy định tại khoản 7, Điều 135 Luật đấu thầu năm 2013. Theo đó thời gian thực hiện hợp đồng là “số ngày tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng…”. Như vậy, việc quy định thời gian thực hiện hợp đồng không rõ cụ thể số ngày thực hiện và thời điểm tính là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Các nhà thầu trúng thầu dự án này gồm: Công ty TNHH MTV tư vấn và kiểm định xây dựng Kinh Bắc trúng gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo KT-KT công trình gần 90 triệu đồng; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sông Lục trúng gói thầu xây dựng công trình, duy tu, sửa chữa tuyến đường huyện Bắc Lũng – Yên Sơn – Phương Sơn – Bảo Đài, huyện Lục Nam (đoạn từ QL 31 đi ga Lan Mẫu) hơn 2,2 tỷ đồng…

Theo tìm hiểu của PV, người giữ cương vị Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Lục Nam và phải chịu trách nhiệm người đứng đấu trước dự án sai phạm này là ông Nguyễn Văn Thắng. Hiện nay, ông Nguyễn Văn Thắng vẫn đang tại vị ở chức vụ này.

Theo Pháp Luật Plus

Link gốc : /sai-pham-tai-du-an-tien-ty-o-luc-nam-chi-rut-kinh-nghiem-la-khong-dung-luat-

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm tại dự án tiền tỷ ở Lục Nam: 'Chỉ rút kinh nghiệm là không đúng luật! tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản