Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt đang “mắc cạn”

NHỊP SỐNG THỊ TRƯỜNG 09:48 03/06/2022

Trong khi doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị cấm kinh doanh bất động sản theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận thì Tập đoàn Bảo Việt lại đang có loạt dự án “mắc cạn

Loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt đang “mắc cạn”
"Tập đoàn Bảo Việt đang có loạt dự án "treo" nhiều năm tại Hà Nội.

Nhiều dự án “mắc cạn”.

Hiện nay, chỉ tính trên địa bàn thành phố Hà Nội, một loạt dự án liên quan đến Tập đoàn Bảo Việt đang trong tình trạng chậm tiến độ, "treo" nhiều năm qua.

Các dự án gồm: Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì); Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, (quận Cầu Giấy); Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha (quận Cầu Giấy),...

1. Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT):

Dự án Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT) do Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ làm chủ đầu tư tại địa chỉ tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã trong tình trạng “treo” nhiều năm qua.

Dự án này, có diện tích nghiên cứu quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.

Được biết, ngày 29/12/2005, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép quy hoạch cho Chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ.

Thế nhưng, sau nhiều năm dự án vẫn đang bị lãng quên, vẫn là bãi đất trống, là sự dở dang, chưa hề có dấu hiệu thi công xây dựng, cả khu vực hoang hóa, cỏ mọc um tùm, đến nay vẫn chưa rõ lý do vì sao dự án bị ngưng trệ.

2. Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển:

Theo công bố, dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt ở huyện Thanh Trì có chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt - Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô xây dựng 32.973m2 tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Quy mô công trình gồm 29 tầng nổi và 02 tầng hầm bố cục thành 3 phần, đế, thân và mái. Trong đó tầng hầm 1 và 2 bố trí khu để xe và các phòng kỹ thuật. Từ tầng 3 đến tầng 29 bố trí 24.368 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 32.966m2.

Tuy nhiên, theo quan sát, đến nay dự án vẫn trong tình trạng là bãi đất hoang. Bên trong khu đất cỏ mọc um tùm, trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm.

3. Dự án Seven Star:

Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy.

Dự án Seven Star nằm trên ô đất D27, thuộc quận Cầu Giấy. Dự án được UBND TP. Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BT.

Dù có vị trí đắc địa, tiếp giáp với tòa nhà trụ sở chính Tập đoàn Viễn thông Viettel, tòa nhà Cung Tri Thức và Tòa án nhân dân Tối cao, bị bỏ hoang hơn 10 năm giữa khu Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi công.

Dự án có tổng điện tích 2.2ha; Tổng mức đầu tư hơn 4.436 tỷ đồng; Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là hơn 1.090 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là khoảng 3.346 tỷ đồng. Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội.

Lô đất thực hiện dự án được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà Văn phòng các Hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

Thế nhưng đến nay đã hơn 1 thập kỷ, dự án chưa triển khai đầu tư, xây dựng và đưa đất vào sử dụng.

Liên quan đến dự án, theo tìm hiểu dù là một thành viên tham gia liên danh nhưng trong Báo cáo tài chính của C.E.O Group nhiều năm qua, dự án Seven Star lại không nằm trong danh mục các dự án được tập trung nguồn lực để đầu tư.

bao-viet.png
Thông tin giới thiệu Tập đoàn Bảo Việt. Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2021.

4. Dự án chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh

Ngoài các dự án trên, được biết, Tập đoàn Bảo Việt còn là chủ đầu tư dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn.

Trong Quý 2 năm 2020, Tập đoàn Bảo Việt đã công bố thông tin về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà Tập đoàn (thông qua Bảo Việt Nhân thọ) đang nắm giữ tại Long Việt. Tuy nhiên, theo BCTC 2021 kiểm toán của Tập đoàn Bảo Việt thì đến thời điểm 31/12/2021 việc thoái vốn này vẫn chưa được thực hiện.

Đề xuất cấm doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vào chiều 27/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

a-thanh.jpg
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp chiều ngày 27/5.

Theo dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm... không được kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoán phái sinh, kim loại quý, đá quý, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài...

Theo đó, việc cấm doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản nhận được sự đồng thuận từ các đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến đề xuất này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Tức là Luật này không cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản trực tiếp mà phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh về bất động sản.

Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa luật về bảo hiểm và kinh doanh bất động sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay, dự thảo luật sửa đổi lần này đã bỏ quy định về cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản.

Dự thảo Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được thảo luận lần 1 tại kỳ họp thứ 2 diễn ra cuối năm ngoái và tại Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 3/2022. Theo nghị trình, dự luật sửa đổi này sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy các hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến bất động sản thông qua các đơn vị trực thuộc, góp vốn, liên doanh, liên kết cũng không mấy khả quan.

Link gốc : https://markettimes.vn/loat-du-an-cua-tap-doan-bao-viet-dang-mac-can-2227.html

Bạn đang đọc bài viết Loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt đang “mắc cạn” tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản