Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Dự án Prosper Phố Đông không có phép, khách hàng nên cẩn trọng

ĐẦU TƯ BDS 08:36 18/03/2020

Dự án Prosper Phố Đông, chính quyền địa phương khẳng định không cấp phép

Thời gian qua, có rất nhiều môi giới giới thiệu bán hàng tại dự án có tên Prosper Phố Đông tại địa chỉ 601 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM, nhưng chính quyền địa phương khẳng định, tại địa chỉ trên không có dự án phát triển nhà ở nào.
Bánh vẽ dự án hoành tráng
Đầu tháng 2/2020, độc giả liên hệ với Báo Đầu tư Bất động sản phản ánh việc hàng trăm nhân viên môi giới đứng trước địa chỉ số 601 đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM phát tờ rơi quảng cáo dự án mang tên Prosper Phố Đông, nhưng tại đây vẫn là khu đất trống.
Để tìm hiểu rõ nội dung phản ánh, ngày 15/2, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã xuống hiện trường thì ghi nhận, có rất nhiều nhân viên môi giới đứng hai bên đường Kha Vạn Cân trước cổng số 601 phát tờ rơi, chào mời khách hàng mua bất động sản, còn khu đất vẫn là khu đất trống, cả mọc, bên ngoài được người dân kinh doanh cây cảnh.
Một nhân viên môi giới tên Quốc Khánh cho biết, dự án này do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phúc Phúc Yên làm chủ đầu tư, Công ty Khải Hưng Corp làm đơn vị bán hàng độc quyền. Dự án được xây dựng trên diện tích 6.105 m2, mật độ xây dựng 45%, gồm 2 block chung cư cao 26 tầng với 560 căn hộ chung cư, 180 căn officetel, 18 căn shophouse.
Sau khi giới thiệu dự án, Khánh mời khách hàng đi lên 500 m, nơi có một căn nhà được Công ty Khải Hưng Corp làm nhà mẫu. Nhân viên này giới thiệu, khách muốn mua sẽ đặt cọc 50 triệu đồng, sau đó thanh toán 15% giá trị căn hộ khi ra hợp đồng mua bán, tiếp đó là thanh toán theo tiến độ tới khi nhận nhà.
Tuy nhiên, khi yêu cầu cho coi pháp lý dự án như quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng… thì Khánh cho biết, hiện doanh nghiệp chưa cho môi giới đưa cho khách hàng coi những thủ tục trên, chỉ khi nào mở bán chính thức mới cho khách coi.
Theo môi giới này, hiện khách mua rất đông, nên ai muốn mua thì đặt cọc giữ chỗ số tiền 50 triệu đồng, sau đó sẽ được giám đốc pháp lý cho xem hồ sơ pháp lý dự án. Nhưng chỉ được xem chứ không được chụp hình lại.
Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với UBND quận Thủ Đức để tìm hiểu về dự án này và ngày 6/3, UBND quận Thủ Đức có Văn bản số 844/UBND-QLĐT trả lời Báo Đầu tư với nội dung, qua rà soát hồ sơ pháp lý và báo cáo của các phòng ban, đơn vị liên quan, UBND quận Thủ Đức xác nhận, tại địa chỉ số 601 đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức không có dự án phát triển nhà ở. Đồng thời, trên địa bàn quận Thủ Đức không có dự án nào mang tên Phúc Yên Prosper hoặc Prosper Phố Đông.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, để có thể được chính quyền công nhận dự án bất động sản thì doanh nghiệp cần thực hiện 5 bước. Thứ nhất là đăng ký làm chủ đầu tư, bước 2 xin phê duyệt quy hoạch 1/500, bước 3 là hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất, bước 4 xin phép xây dựng và sau khi được cấp giấy phép xây dựng mới được tiến hành xây dựng dự án, cuối cùng mới được mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, theo thông báo của UBND TP.HCM, từ năm 2017 tới nay, Thành phố dừng hoàn toàn việc cấp phép dự án có loại hình căn hộ văn phòng mang tên officetel, nên khi dự án được quảng cáo có loại hình căn hộ officetel là vô lý.
Khách hàng cần cẩn trọng
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, khách hàng nên cẩn trọng với các giao dịch bất động sản. Nếu dự án đủ điều kiện theo quy định pháp luật, có thông báo của Sở Xây dựng, thì khách hàng sẽ được đảm bảo về quyền lợi. Còn với các dự án không có thông báo của Sở Xây dựng về đủ điều kiện mở bán, việc mua nhà tại các dự án này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
Theo ông Phượng, nhiều dự án mới chỉ dừng lại là “phương án” kinh doanh của doanh nghiệp như chưa giải quyết về loại đất ở, chấp thuận chủ trương đầu tư… Với nội bộ doanh nghiệp, đối tác có thể gọi là “dự án”, nhưng với khách hàng (người mua, người thuê) thì hoàn toàn không thể dùng từ “dự án”. Do đó, khi khách hàng tiếp nhận lời giới thiệu, chào mua thì nên thận trọng, nếu mua nhà tại các “dự án” kiểu này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thủ tục thực hiện dự án vướng mắc, phải thực hiện nhiều vấn đề, nên để được tên gọi “dự án” là một chặng đường dài, đến doanh nghiệp cũng không chắc.
“Trường hợp có văn bản chính thức của cơ quan nhà nước xác minh về việc không có dự án, thì khách hàng càng cần thận trọng, xem xét, đánh giá trước khi tham gia vào các giao dịch này để tự tránh rủi ro cho mình”, luật sư khuyến cáo.
Bạn đang đọc bài viết Dự án Prosper Phố Đông không có phép, khách hàng nên cẩn trọng tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án