Dự án mở rộng Đài hoá thân hoàn vũ - Phúc Lạc Viên được UBND Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 07/01/2020, do Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực làm chủ đầu tư. Hiện người đứng đầu công ty này là ông Nguyễn Văn Đệ (Bầu Đệ), chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Dự án có diện tích dự kiến hơn 14 ha (diện tích chính thức sẽ được cấp thẩm quyền quyết định theo quy hoạch chi tiết) tại phường Quảng Thành và xã Quảng Đông, nay là phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hoá (Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư hơn 83 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của Tổng Công ty Hợp Lực khoảng 20%, cùng vốn huy động khác chiếm khoảng 80%. Dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý III/2022.
Đến ngày 06/8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2972/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung diện tích, hạng mục của dự án như: Diện tích đất sử dụng hơn 18 ha, tổng mức đầu tư của dự án nâng lên khoảng 218 tỷ đồng, (tổng Công ty Hợp Lực khoảng 20%, vốn huy động khác chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư) và đưa vào hoạt động quý IV/2023 với công suất hoạt động nâng từ 4.395 mộ lên khoảng 20.000 mộ.
Mục tiêu đầu tư xây dựng mở rộng Đài hoá thân hoàn vũ - Phúc Lạc Viên nhằm xây dựng khu công viên nghĩa trang xanh, sạch, đẹp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật… phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan hài hòa với thiên nhiên.
Kể từ khi dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Tổng Công ty Hợp Lực đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai được do đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu được biết, hiện dự án đang chỉ dừng lại ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, vẫn còn hơn chục hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, cũng như phản đối về việc nếu mở rộng dự án này sẽ khiến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người dân nơi đây.
Trước đó, ngày 26/10/2021 UBND TP.Thanh Hóa ban hành quyết định 10497 thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án mở rộng Đài hoá thân hoàn vũ - Phúc Lạc Viên. Tiếp đến, UBND TP.Thanh Hóa ra Quyết định số 12415/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư dự án này.
Theo đó, vị trí đất thu hồi nằm trên địa bàn phường Quảng Thành và phường Quảng Đông, tổng diện tích đất GPMB là: 14,49 ha, trong đó phường Quảng Thành là 12,65 ha, phường Quảng Đông 1,84 ha. Về kinh phí bồi thường, hồ trợ GPMB tạm tính là hơn 68 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Công ty Cổ phần Hợp Lực và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, đây là một dự án với vốn đầu tư 100% của doanh nghiệp vào để kinh doanh thu lợi, chứ không phải dự án Nhà nước thu hồi để phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích Quốc gia… nên đã không đồng tình với phương án đưa ra, dẫn đến việc dự án đến nay vẫn chưa thể khởi công được. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn bức xúc với việc UBND thành phố Thanh Hóa đứng ra thu hồi đất, cưỡng chế đất của người dân để giao cho doanh nghiệp là trái với quy định của Luật Đất đai.
Như phản ánh của Bà Bùi Thị Tơ, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, (gia đình bà có diện tích đất hai lúa bị thu hồi) cho biết: Nếu như Nhà nước, hay một doanh nghiệp đứng ra thu hồi đất để làm các công trình phúc lợi, người dân chúng tôi được hưởng lợi từ công trình đó thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng dự án này là phía Công ty Hợp lực bỏ tiền ra đầu tư để mở rộng rồi kinh doanh thu lợi, và thay vì việc doanh nghiệp tự thoả thuận giá đền bù thì tại sao phía UBND thành phố lại đứng ra thu hồi, cưỡng chế đất của người dân để giao cho doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp họ mua sào bán mét, phân lô bán nền… 01 mét đất bằng 30 triệu, tính ra một sào 500m2 bằng 15 tỷ đồng, trong khi đó trả cho chúng tôi 01 mét đất không bằng bát phở…” bà Tơ bức xúc.
Hay việc bà Hoàng Thị Hạnh, phường Quảng Đông, TP.Thanh Hóa đã không thống nhất việc mở rộng dự án này bởi bà Hạnh cho rằng, nó quá sát với nhà bà và các hộ dân khác. “Nhà tôi cũng có đất nông nghiệp trong vùng dự án nhưng tôi không đồng ý nhận đền bù bởi dự án mở quá gần dân, chúng sôi sẽ sống như thế nào...”.
Ngày 07/9/2023, UBND TP.Thanh Hóa cũng đã có văn bản trả lời người dân về những ý kiến trên như: diện tích đất trồng lúa là 9,23ha chứ không phải hơn 10ha như người dân phản ánh. Về việc tại sao UBND TP. Thanh Hóa lại đứng ra thu hồi đất của người dân trong khi dự án này hoàn toàn vốn đầu tư từ doanh nghiệp vào để kinh doanh, sinh lời... là do dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định Số 53 ngày 07/11/2020 với mục tiêu: "Xây dựng công viên nghĩa trang xanh, sạch, đẹp,đồng bộ về hạ tầng"....và theo Quy định Luật Đất đại thì dự án như khu vui chơi, giải trí công cộng, nghĩa trang, nhà tang lễ....do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận phải thu hồi đất.
Tuy nhiên, đến nay hơn 10 hộ dân vẫn chưa đồng ý với cách trả lời của chính quyền địa phương, họ cho rằng trả lời không đúng trọng tâm, không bám theo luật... cũng chính vì lẽ đó đã dẫn đến sự việc dự án kéo dài đến ngày nay vẫn chưa thể thi công được.
Được biết, Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực tiền thân là Hợp tác xã vận tải Hợp Lực được thành lập năm 1996. Hiện nay, Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực có gần 20 công ty thành viên trải rộng ở khắp các tỉnh thành trong nước. Hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: y tế, vận tải, giáo dục, bất động sản, công viên vĩnh hằng, nhà hàng, khai thác – chế biến khoáng sản, nông nghiệp công nghệ cao…
Mới đây, ngày 23/10/2023, UBND tỉnh có Quyết định về việc Gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án Mở rộng Đài hoá thân hoàn vũ - Phúc Lạc Viên (đây là lần gia hạn thứ 3, kể từ khi được chấp thuận chủ trương), cho phép gia hạn đến 31/3/2024.
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2013 quy định như sau: Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, phải có Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.
Cũng theo Điểm C, Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013: Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng. Những dự án nêu trên phải đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vốn ngân sách của nhà nước thì mới thuộc thẩm quyền của nhà nước thu hồi.