Trách nhiệm thuộc về ai?
Dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm do Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (thành viên của Tập đoàn Hoa Sen) làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng với diện tích 600 ha, trong đó có 361 ha là đất rừng, phần còn lại là đất nông nghiệp.
Theo nguồn tin của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, trong quá trình thi công chủ đầu tư dự án đã tự ý khai thác vượt quá khối lượng đất ở một quả đồi nằm cạnh QL20 (đối diện dự án) để san lấp mặt bằng.
Cụ thể, quả đồi này thuộc quản lý của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi chưa được sự đồng ý của cấp thẩm quyền liên quan, chủ đầu tư đã ngang nhiên đưa máy xúc, máy ủi lấy đi một khối lượng lớn đất tại quả đồi này.
Quả đồi đối diện khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm bị khai thác, lấy đi khối lượng đất lớn để san lấp mặt bằng dự án. |
Theo ghi nhận của Phóng viên, hồi giữa tháng 5/2021, quả đồi mặt tiếp giáp với QL20 đã bị khoét hẳn một vùng sâu hoắm. Tại khu vực có 3 chiếc máy xúc, máy ủi đang hoạt động mặc dù lúc này đã gần 19h. Một số công nhân làm việc bên trong khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm xác nhận, khối lượng đất lấy tại quả đồi được đổ vào bên trong dự án để san lấp mặt bằng.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 28/6, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Sơn Hải cho biết, đang giao cho huyện Đạ Huoai giải quyết, có báo cáo về UBND tỉnh.
"Tôi đã hướng dẫn doanh nghiệp và huyện Đạ Huoai trình tự và thủ tục rồi", Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng thông tin khi được Phóng viên Tạp chí Môi trường phản ánh về việc chủ đầu tư khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm tự ý khai thác đất ở quả đồi đối diện dự án khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay: Bất kỳ một dự án nào trong quá trình xây dựng mà có tiến hành bạt núi, khai thác đất đều tác động tới môi trường, có thể dẫn tới nguy cơ khói bụi, sạt lở, rửa trôi... Vì vậy, theo nguyên tắc, trước khi triển khai dự án thì phải tiến hành khảo sát, có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình cơ quan chức năng phê duyệt.
"Còn đối với trường hợp khai thác đất ở một khu vực khác với mục đích dùng để san lấp mặt bằng khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm thì chủ đầu tư phải thực hiện một báo cáo ĐTM khác với ĐTM của dự án. Sau đó trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt. Khi đó doanh nghiệp mới được khai thác đất đồi. Bởi phạm vi khai thác đất này nằm ngoài dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải trả phí cho việc khai thác đất (khoáng sản)...", PGS.TS Phùng Chí Sỹ thông tin.
Quả đồi bị biến dạng sau khi bị lấy đất phục vụ thi công dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm. |
Đối với thông tin chủ đầu tư khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm khai thác một lượng lớn đất ở quả đồi bên cạnh để san lấp mặt bằng dự án mà chưa được cơ quan chức năng cấp phép, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, với trách nhiệm của cơ quan quản lý trên địa bàn thì UBND huyện Đạ Huoai, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng phải thành lập đoàn chuyên môn để kiểm tra.
"Nếu kết quả kiểm tra nhận thấy chủ đầu tư có những sai phạm thì cần phải tiến hành xử phạt, đình chỉ thi công dự án. Sai phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như sạt lở, gây tác hại kinh tế, tính mạng con người thì thậm chí còn phải chuyển cơ quan công an khởi tố vụ án đề điều tra, xác định những cá nhân sai phạm để xem xét khởi tố hình sự", PGS.TS Phùng Chí Sỹ đề nghị.
Ngoài ra, ông Sỹ cũng đề nghị thêm, nếu thấy có sai phạm lớn gây tác động tới môi trường tại dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm thì cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng khai thác đất, tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn. Cụ thể, là cơ quan chức năng tại thị trấn Đạ M'ri, rồi đến UBND huyện Đạ Huoai, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng hoặc những đơn vị liên quan khác.
"Hành vi sai phạm nằm cạnh QL20, gần trung tâm thị trấn Đạ M'ri và trụ sở UBND huyện Đạ Huoai thì không thể nói đơn vị quản lý trên địa bàn không biết sự việc này. Khối lượng đất bị khai thác theo phản ánh lên tới cả triệu m3 chứ không chỉ vài ba bao tải. Chính vì thế, người dân hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về năng lực của cơ quan quản lý địa bàn", vị chuyên gia này bày tỏ.
Cần xem xét lại
Không chỉ bị "tố" làm ảnh hưởng xấu tới môi trường, một số người dân trên địa bàn thị trấn Đạ M'ri còn phản ánh, trong quá trình thi công dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm, chủ đầu tư còn tác động tới dòng suối là nguồn nước sinh hoạt, lấy đi phần đường người dân sử dụng để lên rẫy. Có cá nhân còn tố cáo chủ đầu tư chiếm đất để làm dự án, mâu thuẫn có thể dẫn tới khởi kiện.
Bên trong dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm. |
Thượng tọa Thích Thanh Huân, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận một sự thật, trong vài năm trở lại đây, không chỉ có khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm mà nhiều dự án tâm linh khác (không liên quan đến hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam) do cá nhân, tổ chức xây dựng có những sai phạm, gây tác động xấu tới môi trường, hay ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
"Dù cá nhân, tổ chức nào xây dựng dự án có liên quan đến vấn đề tôn giáo hay không thì cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu tổ chức, cá nhân nào làm sai thì sẽ phải chịu những hình thức xử phạt, kỷ luật nghiêm khắc", Thượng tọa Thích Thanh Huân đưa ra quan điểm.
Dưới góc nhìn của Phật giáo, Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là thiên nhiên và con người. Nếu như một dự án gây ảnh hưởng, tác động xấu tới thiên nhiên và ảnh hưởng tới con người thì cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung cần phải xem xét lại, yêu cầu cá nhân, tổ chức xây dựng phải thực hiện cho đúng.
Theo Kinh Tế Môi Trường