Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tập đoàn Tuấn Dung đề xuất di dời nhà ga Nha Trang: Kịch bản thâu tóm 'đất vàng'?

TDVN 09:26 03/03/2020

Tập đoàn Tuấn Dung vừa gửi văn bản đến UBND tỉnh Khánh Hòa về 2 phương án đề xuất di dời ga Nha Trang. Các phương án này do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra khảo sát, nghiên cứu đề xuất.

Di dời nhà ga – Tập đoàn Tuấn Dung thâu tóm “đất vàng” một cách thận trọng

Ngày 12/2, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ quan này vừa gửi văn bản đến UBND tỉnh về 2 phương án đề xuất di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gọi tắt là Công ty Tuấn Dung, trụ sở tại TP Hà Nội). Các phương án này do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra khảo sát, nghiên cứu đề xuất.

Theo phương án 1, sẽ cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới (xã Vĩnh Trung, ngoại thành TP.Nha Trang) là ga hàng hóa; xây dựng đường vòng, tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Quy hoạch sử dụng 36.450 m2 đất khu vực ga Nha Trang trở thành chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Phương án 2, cải tạo ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và khu vực bên trong đường vòng hình bóng đèn hiện tại; tuyến đường sắt chính đi thẳng ra ga Vĩnh Trung. Phương án này sẽ quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.287 m2, bố trí gồm: bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Sở GTVT cho rằng phương án 1 phù hợp với quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012. Theo phê duyệt này, ga Nha Trang sẽ trở thành ga hành khách, xây dựng ga hàng hóa ngoài trung tâm thành phố.

Còn phương án 2, chưa phù hợp với quy hoạch đường sắt đã được Bộ GTVT phê duyệt di dời toàn bộ ga ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Việc sử dụng đất khu vực ga Nha Trang cũng chưa được thể hiện trong quy hoạch chung của thành phố.

Tuy nhiên, Sở GTVT lại đồng ý với phương án 2 vì ga Nha Trang tiếp nhận khoảng 48 đoàn tàu ra vào ga mỗi ngày khiến giao thông thường xuyên ùn tắc. Việc di dời ga Nha Trang đến vị trí mới sẽ rút ngắn được 5 km đường sắt đi qua khu vực đông dân cư, bỏ được 4 đường ngang và 8 lối đi tự mở qua đường sắt... Phương án đề xuất nghiên cứu sẽ thực hiện đầu tư dự án tuyến đường sắt tránh TP. Nha Trang và nhà ga Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức PPP thông qua hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao).

Đáng chú ý, để thực hiện việc di dời ga Nha Trang, Tập đoàn Tuấn Dung bày tỏ muốn được “thâu tóm” quỹ đất ga Nha Trang hiện tại để hoàn vốn. Tuy nhiên, vẫn giữ nhà ga (công trình kiến trúc) làm bảo tàng đường sắt vì đây là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa.

Được biết, ga Nha Trang hiện là ga kĩ thuật hỗn hợp khách – hàng được bố trí nằm trọn trong đường vòng bóng đèn (đường ray chạy bao quanh hình bóng đèn) với 5 đường đón gửi, kể cả 2 đường chính tuyến và 3 đường xếp dỡ hàng hóa. Ga còn có đường ray, khu kĩ thuật, trụ sở làm việc tại các đơn vị đầu máy, toa xe; kho hàng diện tích 320m2. Tổng diện tích đất khu vực đường vòng (hình bóng đèn) là 14,8 ha.

Tập đoàn Tuấn Dung đề xuất di dời ga Nha Trang dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, ga Nha Trang sẽ được cải tạo, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách và diện tích dành cho ga khách là 4,8ha. Cùng đó, làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường vòng như hiện nay. Như vậy, quỹ đất còn lại là 10ha.

Trước đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng ý để Tập đoàn Tuấn Dung lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ GTVT thẩm định, trình Chính phủ, thực hiện các bước theo quy định pháp luật. Chi phí lập hồ sơ báo cáo do nhà đầu tư tự bỏ vốn. Tuy nhiên, việc tháo dỡ cũng như đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ.

Mặc dù đồng ý lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu, Bộ trưởng Thể cho rằng, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng phải tham gia đấu thầu theo Luật định. Đồng thời, nhà đầu tư cần nghiên cứu chi tiết hơn phương án tài chính, tính khả thi của dự án, xin ý kiến của TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa…

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: “Toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời nhà ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Có phù hợp với quy hoạch thành phố không? Hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông kết nối như thế nào? Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kĩ thuật khu ga mới cần đảm bảo tất cả các chức năng, nhiệm vụ phục vụ vận tải ra sao?”.

“Đặc biệt, với nền đường sắt vòng sau khi tháo dỡ, cần có phương án bảo vệ để không bị xâm phạm đất công. Tất cả các nội dung đó phải nghiên cứu kĩ. Thời gian qua, việc di dời các cảng biển, các công trình ra khỏi thành phố để lộ những khu vực “đất vàng” khiến nhiều “đại gia” thèm khát. Vì thế, Chính phủ, các Bộ ngành đã và đang siết chặt vấn đề này. Đặc biệt là các dự án BT gây nhiều “lùm xùm” trong dư luận”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Trao đổi với báo Dân Việt, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa ủng hộ chủ trương di dời ga Nha Trang nhưng KTS Nguyễn Hoàng đặt dấu hỏi về năng lực của doanh nghiệp đề xuất di dời khi theo thông tin được truyền thông đăng tải, doanh nghiệp này chưa có bất kỳ dự án nào nổi bật, đặc biệt quỹ đất của nhà ga hiện tại sẽ được sử dụng như thế nào?

"Chi phí di dời ga Nha Trang cực kỳ tốn kém vì phải đền bù giải tỏa, đồng thời không chỉ phải đầu tư phần hạ tầng phục vụ trực tiếp chạy tàu mà còn cả hạ tầng kĩ thuật của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga, liệu doanh nghiệp có đủ năng lực để làm hay không?

Phương án hoàn vốn sẽ bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại. Doanh nghiệp cho biết vẫn giữ nhà ga (công trình kiến trúc) làm bảo tàng đường sắt vì đây là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nhưng quỹ đất xung quanh sẽ làm gì? Bị phân lô bán nền để thu tiền hay xây dựng công trình gì trên đó? Tình trạng ấy không phải là hiếm ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, đây là "đất vàng" ở Nha Trang, liệu phần công trình doanh nghiệp xây dựng mới có giá trị bằng quỹ đất nhà ga hiện tại mà doanh nghiệp được đổi? Thực tế nhiều dự án làm theo hình thức BT trước đó, các công trình xây dựng thường thiếu nọ thiếu kia, trong khi giá trị miếng đất vàng lại bị định giá thấp xuống. Tại sao phải dùng hình thức BT mà không phải là đấu thầu? Hàng loạt dự án BT trong thời gian qua bị biến tướng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước ", Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa bày tỏ lo ngại.

"Đất là tiền. Doanh nghiệp phải làm rõ toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời nhà ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có phù hợp với quy hoạch thành phố không? Hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông kết nối như thế nào? Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kĩ thuật khu ga mới cần đảm bảo tất cả các chức năng, nhiệm vụ phục vụ vận tải ra sao? Quy mô bao nhiêu, làm gì?

Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp làm đàng hoàng, làm đúng, bài bản thì không ai phản đối. Đừng để rơi vào trường hợp luận chứng không chặt chẽ, năng lực chủ đầu tư không có mà vẫn được phê duyệt rồi bao nhiêu công trình lỡ dở", KTS Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

Theo Chất lượng Việt Nam

Link gốc : http://investgo.vn/tap-doan-tuan-dung-de-xuat-di-doi-nha-ga-nha-trang-kich-ban-thau-tom-dat-vang-d2110.html

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Tuấn Dung đề xuất di dời nhà ga Nha Trang: Kịch bản thâu tóm 'đất vàng'? tại chuyên mục Thông tin dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thông tin dự án