Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về nhu cầu sử dụng vắc-xin trong những tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương lên kế hoạch sử dụng vắc-xin cho năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều vắc-xin).
Hiện nay, Tp.Hồ Chí Minh là thành phố đầu tiên có kế hoạch tiêm bổ sung mũi 3 cho nhóm đối tượng 18 tuổi trở lại.
Cần có hướng dẫn về loại vắc-xin được tiêm bổ sung
Theo đó, hiện nay Bộ Y tế mới chỉ đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, nhưng chưa có những hướng dẫn cụ thể về liều lượng, loại vắc-xin và nhóm đối tượng. Tuy trên thế giới đã có những nước triển khai tiêm mũi nhắc lại nhưng ở vẫn cần có thêm thời gian để chứng minh hiệu quả thực tế ở các nước.
Trao đổi với Người Đưa tin về vấn đề triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 phòng chống Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Mũi tiêm tăng cường sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh bởi vì sau thời gian tiêm miễn dịch đã giảm dần. Nhiều nước đã tiên hành tiêm vắc-xin mũi 3.
Tuy nhiên, đối với nước ta, để triển khai việc này cần tính toán kỹ lưỡng vì còn phụ thuộc vào nguồn vắc-xin, mức độ bao phủ và tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Chúng ta cần tăng tỉ lệ bao phủ vắc-xin mũi 1, mũi 2 trước khi tính đến tiêm mũi 3”.
Chuyên gia cũng cho rằng trước mắt có thể tiêm mũi 3 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như: cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, những người chịu trách nhiệm chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, người có bệnh nền, người có suy giảm miễn dịch... Tuy nhiên, cần phải cân nhắc theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về thời gian và loại vắc-xin phù hợp, PGS.TS Trần Đắc Phu bày tỏ: "Với tất cả các loại vắc-xin đã được triển khai tiêm ở Việt Nam như hiện nay, để có thể tiêm bổ sung người tiêm cần hoàn thành mũi tiêm thứ 2 ít nhất 6 tháng.
Ngoài ra tốt nhất là tiêm cùng loại vắc-xin. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có đủ nguồn vắc-xin, vì vậy sự phối trộn phải tuân theo chỉ định. Bộ Y tế cần có hướng dẫn, chỉ định cụ thể về loại vắc-xin, đối tượng được tiêm, vùng được tiêm để tránh tình trạng không đồng bộ”.
Việc tiêm mũi 3 còn quá sớm
Liên hệ với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cho biết: “Việc tiêm mũi 3 hiện nay chưa thực sự cần thiết khi vẫn còn nhiều địa phương người dân chưa được tiêm vắc-xin, lượng vắc-xin về Việt Nam cũng không có nhiều, nên nghĩ đến việc tiêm mũi 3 còn hơi sớm.
Chúng ta có thể triển khai tiêm với những nhóm người đặc biệt như các bác sĩ tuyến đầu, những người chăm sóc bệnh nhân nặng bởi nếu những nhóm này mắc bệnh sẽ có nguy có lây cho người bệnh nặng”.
Theo bác sĩ, đối với những người không thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt với những người đã từng mắc Covid-19 và được chữa khỏi cao thì chưa cần tính đến liều bổ sung.
“Theo tôi, việc quyết định có tiêm mũi 3 hay không còn phụ thuộc mức độ bao phủ vắc-xin của từng địa phương, nếu địa phương có số dân được tiêm 2 mũi cao, không phải khu vực nguy cơ thì cũng không cần phải tính đến việc tiêm thêm liều bổ sung.
Nếu trong thời gian tới khi cả nước đã tiêm đủ 2 mũi, lượng vắc-xin vẫn còn ở trong nước thì lúc đó mới nên có kế hoạch tiêm mũi 3 với lần lượt từng nhóm đối tượng. Bởi vì hạn sử dụng của các loại vắc-xin cũng không dài, để tránh gây lãng phí thì chúng ta tiêm bổ sung”, Ông Khanh bày tỏ.
Việc triển khai tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cần có lộ trình và hướng dẫn cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Cần tránh để tình trạng nơi thừa chỗ thiếu.
Đến chiều 1-11 Việt Nam đã tiêm chủng hơn 82 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó khoảng 24,5 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Bộ Y tế cho biết đến hết ngày 29-10 đã tiếp nhận và phân bổ 75 đợt vắc xin phòng Covid-19 với tổng số gần 105 triệu liều.
Có 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng và Bình Dương.
Trong báo cáo hãng vắc-xin Pfizer (Mỹ) đã đưa ra dữ liệu cho thấy tiêm liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech thứ 3 giúp tăng mức bảo vệ trước biến thể Delta.
Mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta tăng gấp 5 lần ở người 18 - 55 tuổi được tiêm nhắc lại. Trong khi đó, ở người 65 - 85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2.
Hiệu quả của vắc-xin mạnh nhất ở mức 96,2% trong 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Sau đó giảm xuống chỉ còn 83,7%. Sau mỗi hai tháng, con số này giảm trung bình 6%.