Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kế hoạch đón khách quốc tế từ tháng 7 đã được Thủ tướng Chính phủ hoãn lại để đảm bảo an toàn. Song theo ý kiến nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị kịch bản chi tiết nhất có thể, để khi mọi điều kiện cho phép sẽ kịp thời mở cửa cho khách nước ngoài.
MỞ CỬA CÓ ĐIỀU KIỆN
Những ngày đầu tháng 7, trên nhiều mặt báo của Việt Nam xuất hiện bài viết về việc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã phối hợp cùng các đối tác tư nhân và nhà nước, ban hành chứng nhận Amazing Thailand Safety and Health Administration: SHA, nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, tăng thêm niềm tin cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Thái Lan. Chứng nhận SHA của TAT là bước cần thiết cho các nhà khai thác du lịch Thái Lan, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách du lịch trở lại trong thời gian tới.
Du khách quốc tế tại TP.HCM. Ảnh: Internet |
Bài viết này (xuất hiện đồng thời tại nhiều quốc gia) là một phần rất nhỏ trong khâu tiếp thị, nằm trong tổng kịch bản phục hồi khách quốc tế đã được lên kế hoạch chi tiết ở Thái Lan. Cũng như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia cũng đang chuẩn bị các kịch bản tương tự. Một chuyên gia nhận định: “Sau COVID-19, chắc chắn cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ rất khốc liệt, vì nước nào cũng muốn thu hút khách quốc tế để vực dậy nền kinh tế du lịch”. Việt Nam có thành tích chống dịch hàng đầu thế giới, nhưng nếu muốn thị trường du lịch quốc tế phục hồi sớm thì khâu chuẩn bị cũng không được phép chậm trễ.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, trong bối cảnh bình thường mới, để đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Việt Nam không thể đợi đến lúc thế giới khống chế hoàn toàn được dịch bệnh mới mở cửa đón khách quốc tế. Lúc đó, sẽ quá muộn và lỡ mất nhiều cơ hội bởi vì trong năm 2019, doanh thu từ hơn 18 triệu lượt khách quốc tế chiếm tới 55% tổng doanh thu du lịch cả nước.
Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cho biết: “TAB đã đề xuất Việt Nam có một quy trình và bộ thủ tục để mở cửa thị trường. Bộ thủ tục đó bao gồm mở lại các đường bay và đảm bảo rằng, các đường bay này chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng; miễn visa du lịch; yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế; đo nhiệt độ hành khách nhập cảnh; thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất COVID-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam... TAB cho rằng, an toàn và sức khỏe của người dân cần được cân đối hài hòa với các tính toán và lợi ích kinh tế”.
DỰNG HÀNH LANG AN TOÀN
TAB kiến nghị bắt đầu đàm phán với những thị trường nguồn quan trọng và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất. Những thỏa thuận sẽ được triển khai và có hiệu lực khi nào các tiêu chí đã được thỏa mãn và các chuyến bay thẳng được thiết lập. “Những tiêu chí như vậy sẽ đảm bảo mở dần dần và cần thiết tiếp cận từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình, bởi trước đó, chúng ta chưa từng có tiền lệ ứng phó với loại thách thức này”, ông Chính chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia ngành du lịch, đầu tiên Việt Nam chỉ có thể mở cửa với một số điểm đến khống chế dịch tốt như Nhật chẳng hạn. Đây là nước có lượng người du lịch nước ngoài cao, việc mở cửa thành công sẽ đem lại cơ hội tăng thị phần trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, hành lang du lịch an toàn giữa các nước cũng được xem như một giải pháp để mở cửa thị trường quốc tế trong thời điểm hiện nay.
Hành lang an toàn là việc tìm kiếm, đàm phán thành công để mở rộng đi lại tự do với bên ngoài như Việt Nam đã làm được ở trong nước. Cơ sở để thực hiện hành lang an toàn là 2 nước hoặc có thể nhiều hơn 2 nước đã giải quyết được dịch bệnh, không có lây nhiễm trong cộng đồng. Nghĩa là mỗi nước đã thành công trong việc chống dịch, du lịch nội địa đã mở cửa hoàn toàn, rủi ro là rất thấp như Việt Nam hiện nay.
Hiện một số quốc gia đã mở cửa thị trường quốc tế. Sớm nhất là Hy Lạp mở cửa đón du khách từ 29 quốc gia trên thế giới từ ngày 15.6. Thái Lan đang cân nhắc đón khách quốc tế trong quý III hoặc quý IV/2020, với ưu tiên dành cho những người đến từ các khu vực không còn dịch.
Sri Lanka dự định sẽ cho phép tất cả khách quốc tế đến du lịch từ ngày 1.8 nhưng phải trải qua quá trình kiểm tra dịch bệnh rất chặt chẽ. Khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Khi đến sân bay, du khách phải xét nghiệm lại. Xét nghiệm này sẽ được Sri Lanka miễn phí. Dự định vào tháng 8 tới, thời gian cho kết quả sẽ được rút ngắn từ 24 giờ xuống còn từ 4-6 giờ.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2019, tháng 1.2020 du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục gần 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam tăng trưởng rất mạnh. Với việc hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ từ cuối tháng 3 do dịch bệnh đến nay, lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 57%. Khoảng 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động. Gần 140 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%. Hàng trăm ngàn lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm.
Theo Nhịp cầu đầu tư