Chiến dịch "Operation Warp Speed" của Mỹ đã đạt được thỏa thuận với 8 mẫu vaccine nCoV. Cả 8 đều ở các giai đoạn phát triển, thử nghiệm lâm sàng. Hiện vẫn chưa có vaccine nào trong số đó được phê duyệt hoặc cho phép sử dụng.
Tuy nhiên, Phó giám đốc phụ trách chính sách của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Paul Mango cho biết, 3 trong số những mẫu đang thử nghiệm đó đã được sản xuất hàng loạt. Hàng trăm nghìn liều sẵn sàng được triển khai tiếp nếu các mẫu này nhận được chấp thuận lưu hành từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA). Có 3 loại vaccine tiềm năng khác cũng dự kiến sớm đưa vào sản xuất trong thời gian tới.
Cũng theo các nhà khoa học, hiện có 2 mẫu cuối cùng trong danh mục của "Operation Warp Speed" chưa được Nhà Trắng nêu tên, mặc dù các quan chức y tế gần đây cho biết chúng sẽ sớm được thử nghiệm trên người.
Chiến dịch Warp Speed đã tập hợp các tổ chức gồm HHS, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiến bộ Y sinh cùng Bộ Quốc phòng và một số cơ quan khác, cùng nhau xúc tiến việc phát triển, sản xuất, cung cấp các chế phẩm và phương pháp điều trị cho Covid-19.
Khi một số ít nhà sản xuất vaccine đẩy nhanh tiến độ phát triển mẫu của họ thông qua các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, chiến dịch Warp Speed làm việc với các bang, thành phố và nhà phân phối về cách đưa hàng trăm triệu liều vaccine đến người dân Mỹ vào giữa năm 2021.
"Lúc đầu, khả năng cao là nguồn cung vaccine nCoV sẽ bị hạn chế vì số lượng liều có sẵn lúc đó không nhiều. Người trong danh sách ưu tiên sẽ được tiêm chủng trước", Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nói hôm 28/8.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, vaccine Covid-19 có khả năng hoạt động khác nhau ở nhiều nhóm chủng tộc và dân tộc, độ tuổi và người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả của từng mũi tiêm trong các nhóm đối tượng này sẽ quyết định những ai được tiêm chủng ngừa Covid-19 đầu tiên.
Paul Mango cho biết, các loại vaccine mà chiến dịch Warp Speed đang sở hữu sẽ có yêu cầu bảo quản khác nhau. Mỹ đang điều chỉnh kế hoạch phân phối phù hợp với từng công ty dược phẩm mà họ đã ký kết thỏa thuận. Chẳng hạn như với hãng dược Pfizer, họ đang triển khai chuẩn bị các thùng chứa để lưu trữ và phân phối vaccine do họ hợp tác với BioNTech phát triển. Nếu mẫu vaccine của họ được chứng minh hoàn thiện, họ sẽ có cách phân phối riêng chứ không cung cấp vaccine thông qua tập đoàn McKesson Corp như những đơn vị khác, thuộc Warp Speed. Mango cho biết thêm hợp đồng họ ký kết với Pfizer bao gồm việc cung cấp vaccine đến những nơi mà chính phủ Mỹ chỉ đạo.
Theo các nhà khoa học, bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào đang thử nghiệm hiện tại nếu hoàn thiện, sẽ chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Chấp thuận này không mang lại sự linh hoạt nhiều như quyết định phê duyệt đầy đủ đối với một loại vaccine mới. Và ngay cả khi vaccine ngừa Covid-19 có được sự chấp thuận hoàn toàn nó vẫn có thể bị rút khỏi thị trường nếu bệnh nhân khỏe mạnh sau đó có các tác dụng phụ bất lợi. Phía Mỹ cũng có kế hoạch theo dõi sức khỏe lâu dài của người dân sau khi họ tiếp nhận mũi tiêm để chắc rằng không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra sau đó.
Liên quan tới công cuộc nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19, mới đây Công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) vừa công bố bổ sung Chile, Argentina và Peru vào danh sách các quốc gia Mỹ Latin mà họ có kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn III đối với vaccine nCoV do mình phát triển. Cuộc thử nghiệm lần này dự kiến có sự tham gia của 60.000 tình nguyện viên đến từ Brazil, Chile, Colombia, Peru, Argentina và Mexico. Toàn bộ quy trình sẽ được điều phối bởi đơn vị dược phẩm Janssen và các trung tâm học thuật địa phương.
Johnson & Johnson chia sẻ rằng họ vẫn đang chờ phê duyệt theo quy định ở Chile, Argentina và Mexico. "Sự hợp tác đa phương lần này thể hiện sự tiến bộ và cam kết về nỗ lực của tập thể, nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt đại dịch Covid-19 trên toàn cầu", đại điện hãng dược nói.
Miguel O’Ryan, đại diện tại Đại học Y dược Chile, nơi dự kiến tổ chức thử nghiệm lâm sàng vaccine nCoV của Johnson & Johnson, cho biết các thông số vẫn đang được tính toán. Song, nhóm của ông đã chuẩn bị tuyển dụng 1.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III do các nhà phát triển vaccine tài trợ.
"Theo quan điểm của chúng tôi, ngay khi nhận được lô vaccine nCoV thử nghiệm, chúng tôi sẽ có thể tiêm chúng cho tình nguyện viên đầu tiên trong vòng ba tuần", vị đại diện cho biết. Vaccine nCoV của Johnson & Johnson là một trong số những "ứng viên" triển vọng, có khả năng sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở Chile.
Bên cạnh đó, một đơn vị khác có thử nghiệm được tài trợ bởi chính phủ Chile, ngành công nghiệp địa phương và học viện là Sinovac, sẽ sớm khởi động tìm kiếm tình nguyện viên. Chile hiện cũng đang trong quá trình đàm phán vấn đề tương tự với ba hãng dược khác gồm CanSino Biologics, AstraZeneca và Moderna.
Tại Peru, Carlos Castillo, cố vấn trưởng về vaccine của Bộ Y tế chia sẻ, Johnson & Johnson đang chọn các trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm, dự kiến tiến hành cuộc thử nghiệm vào giữa tháng 9.
Cũng trong ngày 26/8, hãng dược Sinopharm của Trung Quốc bắt đầu tuyển dụng 6.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm vaccine của riêng mình. Tổng thống Peru Martin Vizcarra cho biết, ông cũng hy vọng việc thử nghiệm vaccine của AstraZeneca tại nước mình sẽ chính thức xác nhận vào cuối tháng 8. Brazil, Chile, Peru, Argentina, Mexico và Colombia là 6 quốc gia Mỹ Latin có số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận cao nhất. Các nhà phát triển vaccine tìm kiếm những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao, nhằm nhận được kết quả thử nghiệm đáng tin cậy hơn. Hãng dược Mỹ Johnson & Johnson đặt mục tiêu sản xuất đến một tỷ liều vaccine tiềm năng vào năm 2021