Ngày 9/9, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết quy định về cấp điểm cho giấy phép lái xe sẽ không có chính sách cộng điểm sang năm kế tiếp.
Hết một năm, nếu tài xế không vi phạm, hoặc vi phạm nhưng vẫn còn điểm sẽ được cấp 12 điểm cho năm kế tiếp. Trường hợp bị trừ hết điểm phải thi lại bằng lái sau ít nhất 6 tháng.
“Tôi lấy ví dụ trong năm 2020, nếu tài xế không bị trừ điểm nào thì năm 2021 vẫn chỉ được cấp 12 điểm chứ không được cộng dồn thành 24 điểm. Điều này sẽ tránh được việc nhiều người có GPLX nhưng không điều khiển phương tiện, nếu cộng điểm sang năm sau thì họ vẫn không có kỹ năng lái xe thực tế”, Phó cục trưởng Cục CSGT nói.
Để đảm bảo quyền lợi cho nhóm tài xế chấp hành nghiêm túc, lãnh đạo Cục CSGT cho biết sẽ đề nghị chính sách bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn đối với người không vi phạm. Nhóm bị trừ điểm nhiều sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn. Đây là phương pháp đã được áp dụng thành công tại Nhật Bản.
Trước đó, trao đổi với Zing, tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng cơ quan quản lý nên cân nhắc hình thức cộng điểm cho bằng lái. Theo ông, giải pháp này sẽ khiến tài xế không vi phạm vào năm trước, khi sang năm tiếp theo có thể vi phạm nhiều hơn mà vẫn được lái xe.
Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm. Số điểm sẽ không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà sẽ mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống chung toàn quốc. CSGT ở mọi địa phương chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể về căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện việc trừ, phục hồi điểm của GPLX trong thời gian tới.