Việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiến trình hội nhập sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thương mại, dịch vụ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Song bên cạnh những cơ hội mới các FTA mang lại, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong cạnh tranh khi sản phẩm hàng hóa đa phần còn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả có những mặt hàng còn leo cao hơn so với các nước.
Bên cạnh đó, hàng Việt ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế.
Theo ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp, tham gia các FTA mang lại nhiều lợi thế và thách thức cho doanh nghiệp ở cả góc độ kinh tế và pháp luật. Do đó, việc tận dụng các lợi thế và hạn chế những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều chủ thể khác nhau.
Ông Thắng cho biết, để có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh trong hội nhập và chinh phục được các thị trường khó tính trong FTA, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ càng về chất lượng hàng hóa, các doanh nghiệp còn cần có tấm vé nhãn hiệu được bảo vệ.
“Cụ thể là việc đầu tư cho công tác chống hàng giả và sở hữu trí tuệ cần phải được các doanh nghiệp coi là vấn đề cốt lõi và chú trọng, nhằm bảo vệ thương hiệu và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe từ các FTA. Ngay lúc này, các doanh nghiệp cần sớm áp dụng quy trình xác thực chống hàng giả qua QR code, điều này còn giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được thông tin hàng hóa”, ông Thắng chia sẻ.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên, muốn nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong hội nhập kinh tế sâu rộng, phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành một chương trình, chiến lược hành động quốc gia được ưu tiên hàng đầu.
Trong đó, việc xây dựng các doanh nghiệp mang tính chất đầu tàu, các "đại bàng" Việt phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột. Nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường đúng nghĩa; nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho” vì đây là nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng, lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.
”Các yếu tố nêu trên vận hành trong không gian công khai, minh bạch sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh, cái mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nhất hiện nay”, PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.