Hà Nội, Chủ nhật Ngày 13/10/2024

Tranh cãi việc cha mẹ “giữ hộ” tiền lì xì của con bị phạt đến 1 triệu đồng

Đ.N/Theo ĐTVN/SHTT 13:09 12/01/2020

Theo quy định, nếu cha mẹ chiếm đoạt tài sản riêng của con (bao gồm cả tiền lì xì) sẽ bị xử phạt từ 500 đến 1 triệu đồng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".

Nếu áp dụng theo điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; chống bạo lực gia đình, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Theo đúng quy định, nếu cha mẹ có hành vi chiếm đoạt tài sản cá nhân của con cái, sẽ bị phạt tiền đến 1.000.000 đồng. Nhưng, quy định này đã gặp phải sự tranh cãi từ phía phụ huynh.

Phạt hành chính cha mẹ "giữ hộ" tiền lì xì của con cái đang là quy định gây tranh cãi trong dư luận

Anh Đặng Văn Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) nêu quan điểm: “Việc cha mẹ yêu cầu con đưa tiền lì xì là để quản lý không phải hành vi xấu. Trẻ con còn quá nhỏ, chưa thể quản lý hay sử dụng tiền, thì bố mẹ nên cầm số tiền này. Hơn nữa, tiền lì xì sau đó cũng được dùng vào việc đóng học, mua sắm quần áo, sách vở cho con. Cá nhân tôi thấy việc phạt hành vi lấy tiền lì xì của con là không hợp lý”.

Đồng quan điểm, một phụ huynh khác ở Hà Nội cũng tỏ ra hoang mang với thông tin về quy định trên. Người này nói rằng, chị không đồng tình với quy định trên bởi việc cha mẹ giữ hộ tiền lì xì cho con cái là việc cần thiết.

Còn theo các chuyên gia, việc cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì để quản lý không phải hành vi xấu. Vì vậy, trường hợp này cha mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng khoản tiền lì xì này một cách hợp lý, đúng như quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho biết, theo Luật Dân sự, đối với trẻ dưới 15 tuổi, bố mẹ hoàn toàn có quyền quyết định sử dụng tiền mừng tuổi của con.

Khi con từ 15 - 18 tuổi đã có quyền có tài sản riêng tuy nhiên, ở lứa tuổi này con vẫn chịu sự giám hộ của bố mẹ. Do vậy, nếu bố mẹ đang quản lý, sử dụng tài sản của con thì vẫn có quyền sử dụng số tiền này để giải quyết nhu cầu ăn học, sinh hoạt của con.

Nếu bố mẹ sử dụng tiền cho mục đích khác thì phải có sự thỏa thuận, thống nhất của con. Tuy nhiên, dù con không đồng ý nhưng ý kiến của con chỉ mang tính chất tham khảo. Cha mẹ vẫn có quyền quyết định sử dụng tiền lì xì của con.

Với con trên 18 tuổi, lúc này đã đủ năng lực dân sự nên có quyền nhận tiền, định đoạt cũng như quyết định đưa số tiền lì xì cho ai. Nếu bố mẹ cố tình lấy tiền của con mà không được đồng ý sẽ xác định đó là dạng tranh chấp dân sự vay, mượn hoặc hình sự.

Cũng theo các chuyên gia, chuyện lì xì Tết thuộc phạm trù văn hóa. Với văn hóa người Việt thì lì xì cho con nhưng thực ra là cho bố mẹ, có thể trả một món nợ ân tình nào đấy hay là chuyện tình cảm với bố mẹ của đứa trẻ… Luật pháp không chỉ thuần túy là luật pháp mà phải phù hợp với văn hóa, với hoàn cảnh, lối sống thì mới đi vào cuộc sống.

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi việc cha mẹ “giữ hộ” tiền lì xì của con bị phạt đến 1 triệu đồng tại chuyên mục Tin tức 24h qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h qua